Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất đưa quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.
Ảnh minh họa
Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã triển khai thành công đấu thầu qua mạng hơn 200 gói thầu.
Trên thế giới, hình thức đấu thầu qua mạng cũng đã và đang được xem là xu thế tất yếu để lựa chọn được nhà thầu trúng thầu tốt thông qua quy trình đấu thầu công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục hành chính và hạn chế thông đồng, móc ngoặc, phòng và chống tham nhũng trong đấu thầu.
Do vậy việc đưa quy định về đấu thầu qua mạng vào trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là cần thiết. Đây cũng dấu hiệu tích cực để các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế và các bên tham gia hoạt động đấu thầu đánh giá cao tính minh bạch, công khai trong chi tiêu công của Việt Nam, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của nước ta đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Đấu thầu qua mạng hay còn gọi là đấu thầu điện tử, là quá trình sử dụng hệ thống mạng công nghệ thông tin (internet) và các thiết bị điện toán để thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu (theo Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi)
Quy trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện qua mạng
Tại dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: Khi thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng, 7 nội dung của quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, thực hiện và quản lý hợp đồng được thực hiện qua mạng internet gồm: 1. Đăng tải thông tin đấu thầu; 2. Nộp bảo lãnh dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng, tạo bản thoả thuận liên danh, hợp đồng điện tử; 3. Nộp, rút hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; 4. Mở thầu, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; 5. Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; 6. Ký kết hợp đồng, thanh toán; 7. Các nội dung khác có liên quan.
Đồng thời, dự thảo quy định việc giao dịch qua mạng được thực hiện bằng văn bản điện tử. Trong đó, các văn bản điện tử giao dịch qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải có chữ ký số của người đại diện hợp pháp. Khi đảm bảo điều kiện trên, văn bản điện tử sẽ được coi là văn bản gốc, có giá trị pháp lý và có hiệu lực như văn bản bằng giấy, làm cơ sở để xác định văn bản gốc, phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân.
Về hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, dự thảo đề xuất nguyên tắc phải đảm bảo công khai, không hạn chế về mặt truy cập, tiếp cận thông tin. Đồng thời, hệ thống này phải đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, an toàn thông tin, có khả năng xác thực người dùng, chống chối cãi, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu. Cũng như phải đảm bảo nhà thầu, nhà đầu tư không thể gửi hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu…
Các thông tin trên được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đấu thầu, đang được đăng lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Nguồn Chinhphu.vn