Tại các vùng nông thôn ở tỉnh ta, rác thải được người dân vứt bỏ tràn lan trên đường đi, trước cổng làng và các bãi đất trống trong khu dân cư... Rác thải làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan nông thôn cũng như đời sống và sinh hoạt của chính người dân địa phương. Một bằng chứng khá rõ là tại xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, địa phương được chọn điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, vấn đề rác thải nông thôn đang thực sự là vấn nạn và là gánh nặng đối với chính quyền địa phương. Dọc trên tuyến tỉnh lộ 703, thuộc địa bàn xã, đủ loại rác thải được người dân vứt bỏ ngổn ngang hai bên đường, tại điểm đầu vào xã, rác chất đống nằm bên đường như một bãi rác tập trung.
Đường vào Thôn văn hóa Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước khang trang và sạch đẹp.
Ảnh: Văn Miên
Nói về môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm từ chính rác thải, đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu không khỏi trăn trở: “Việc giải quyết rác thải nông thôn đã được địa phương bàn đến, nhưng thật khó, bởi khi thực hiện thì không được sự chung sức, chung lòng từ chính người dân. Địa phương đã chọn điểm để tập trung rác về một mối, tuy nhiên không có kinh phí để san ủi mặt bằng, mua phương tiện, vật dụng chuyên chở rác... Chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cũng đã tổ chức tuyên truyền cho người dân về trách nhiệm của cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời huy động dân cùng chung tay đóng góp phí môi trường, thế nhưng không phải dễ…
Ô nhiễm từ rác thải là một lẽ, ở các địa phương khác, như ở Phước Thái, Phước Hữu (Ninh Phước) hay ở Phước Ninh (Thuận Nam)..., việc người dân nuôi thả rông gia súc, gia cầm phóng uế bừa bãi cũng đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương hiện nay. Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh: Bên cạnh vấn nạn về rác thải thì thói quen nuôi thả gia súc trong khu dân cư càng làm tăng nguy cơ ô nhiễm, gây mất mỹ quan bộ mặt nông thôn.
Ở tỉnh ta, từ khi nhà máy chế biến rác thải của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Sản xuất Nam Thành đi vào hoạt động, vấn đề rác thải đã có hướng giải quyết. Đó là thu gom, xử lý chế biến làm phân hữu cơ vi sinh. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến các địa phương vẫn chưa liên kết để thu gom, vận chuyển rác thải về nhà máy xử lý. Theo Ban giám đốc Công ty, đơn vị chỉ hỗ trợ khoảng 30% chi phí vận chuyển rác về xử lý, các địa phương khác tùy theo địa hình, quãng đường phải chi trả từ 50 - 70% chi phí còn lại.
Ông Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn-Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên việc thực hiện ở địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đến thời điểm này không ít hộ dân chưa nhận thức đầy đủ về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một phần cũng là do các địa phương chưa thực sự chú trọng công tác tuyên truyền. Do thiếu kinh phí, các địa phương phải chủ động xem trong số 19 tiêu chí quy định, tiêu chí nào cần phải huy động mọi nguồn lực để xã hội hóa, như tiêu chí 17 (tiêu chí về môi trường) chẳng hạn, bởi chính người dân là chủ thể gây nên vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn. Do đó cần huy động nguồn lực trong dân cùng tham gia thành lập tổ, đội thu gom, thu phí rác thải, mua phương tiện chuyên chở rác thải về đúng nơi xử lý để tránh ô nhiễm.
Tỉnh ta hiện đang đẩy mạnh việc triển khai xây dựng môi trường “xanh - sạch - đẹp”, nhiều hoạt động làm sạch môi trường đang được chú trọng thực hiện. Tuy nhiên vấn đề rác thải nông thôn vẫn còn là nỗi trăn trở lớn, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết và xử lý, có vậy môi trường nông thôn mới được sạch-đẹp, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ngũ Anh Tuấn