Nhiều giải pháp đồng bộ phát triển vùng Tây Bắc

Tiếp tục thảo luận tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2012 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực này trong thời gian tới.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh Tây Bắc tiếp tục tập trung tháo gỡ những
vướng mắc về giao đất lâm nghiệp, giao rừng, điều chỉnh cơ cấu ba loại rừng, nâng cao hiệu
quả kinh tế nghề rừng. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh đến việc các bộ ngành Trung ương, tỉnh thành trong vùng cần tập trung nguồn lực và nhân lực có chất lượng để nâng cao đời sống của nhân dân. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá Mai Văn Ninh đề xuất phát hành trái phiếu phát triển cho khu vực này. Đồng thời, tăng cường luân chuyển cán bộ sở, ngành về công tác tại các huyện miền núi để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở…

Chọn cây xóa đói nghèo ở Tây Bắc

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh, một trong những yếu tố căn cơ trong việc thực hiện giảm đói nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số là phải giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ thông qua việc chuyển giao cây, con giống nông nghiệp có chất lượng, năng suất cao cho bà con.

Đề cập một khía cạnh khác là việc “trồng cây gì” mà các tỉnh vùng Tây Bắc đang băn khoăn là việc trồng cây cao su trên địa bàn khi còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành, nhà khoa học. Ông Nguyễn Hữu Vạn, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai, cho rằng một số bộ ngành Trung ương đang “chần chừ” trong việc quy hoạch trồng cao su tại các tỉnh Tây Bắc trong khi loại cây này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế thực sự. Nếu vẫn thí điểm, ông Vạn kiến nghị cho tỉnh Lào Cai được thí điểm trồng hẳn 10.000 ha cây cao su chứ 2.000 ha như hiện nay là quá ít.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Hoàng Ngọc Đường nhấn mạnh đến “cây xoá đói” thực sự cho người dân nơi đây mà ông coi là “thế mạnh” của địa phương, đó là cây rong giềng. Theo đó, cả tỉnh hiện nay có 1.841 ha trồng trên các loại đất xấu, khó trồng cây màu như lúa, ngô, khoai. Giá trị người dân thu được khoảng 110 triệu đồng/ha, nếu tiếp tục chế biến thành miến rong thì tăng thêm giá trị gấp đôi.

Bên cạnh đó, hiện nay giống hồng không hạt mang thương hiệu Bắc Kạn cũng được khách hàng rất ưa chuộng cũng đang được nhân rộng. Với phát triển nghề rừng, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai trồng giống keo Australia để nâng cao năng suất và chất lượng, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Liên quan đến việc đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông trong vùng với miền xuôi, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng cho hay, chắc chắn năm 2013 sẽ hoàn thành đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang chuẩn bị đề án nối tuyến cao tốc Lào Cai đi Lai Châu và một số tuyến quốc lộ khác trong vùng. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương sớm bàn giao mặt bằng các dự án giao thông và cam kết nếu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thì không có chuyện ngành giao thông làm chậm và chất lượng thấp các tuyến đường.

Mỗi năm giảm ít nhất 4% hộ nghèo

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh các ý kiến tại hội nghị đã làm rõ tình hình, kết quả và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của vùng, hoạt động của Ban Chỉ đạo, nhất là các vấn đề lớn được các tỉnh quan tâm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội trong vùng giữ được thế ổn định và có bước phát triển. Tuy nhiên, đó mới là những kết quả bước đầu khi tình hình trong vùng vẫn còn nhiều khó khăn, một số tồn tại chậm được khắc phục.

Các đại biểu được yêu cầu nghiêm túc quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nội dung tại hội nghị.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Các kết quả và tồn tại nêu trên cũng phản ánh vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc với hầu hết các nhiệm vụ, chương trình công tác 6 tháng đầu năm đã hoàn thành.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương trong Vùng tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 13/NQ-CP, Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn.

Cụ thể, tập trung tháo gỡ những vướng mắc về giao đất lâm nghiệp, giao rừng, điều chỉnh cơ cấu ba loại rừng để phát triển mạnh mẽ trồng và kinh doanh rừng sản xuất, chấn chỉnh hoạt động kiểm lâm, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế nghề rừng.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là mạng lưới đường giao thông; tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc và tôn giáo; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp.

Về nhiệm vụ của các Bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ vào đề xuất của các tỉnh trong vùng, cần chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền và phối hợp.

Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu chuyển giao các loại giống cây trồng phù hợp, có hiệu quả đối với vùng Tây Bắc. Các bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư trong vùng. Riêng số hộ nghèo của các tỉnh Tây Bắc mỗi năm cần giảm 4%. Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch, giải pháp phát triển nhân lực, sớm đưa ra chủ trương, biện pháp, cơ chế phát triển nguồn nhân lực cho toàn vùng.

Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề của Ban Chỉ đạo và các tỉnh trong vùng với nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh cần nghiêm túc quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nội dung được nêu ra tại hội nghị, sớm có được kết quả tốt để báo cáo tại Hội nghị tổng kết cuối năm.

Nguồn www.chinhphu.vn