Sáng 16-7, tại Bắc Kạn, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hội nghị tập trung vào những vấn đề lớn, thiết thực mà thực tiễn đang đặt ra cho toàn vùng với các đề xuất và giải pháp hiệu quả, khả thi.
Theo Phó Thủ tướng, Tây Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước, là vùng có truyền thống cách mạng, người dân Tây Bắc hết sức cần cù chịu khó. Do đó, phải xác định rõ nguyên nhân, tiếp tục rà soát, hoàn thiện những biện pháp để giải quyết tình trạng tỷ lệ đói nghèo vẫn còn ở mức khá cao.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, Tây Bắc là địa bàn rộng với 14 tỉnh, 10 triệu dân, vì vậy cần có nhiều giải pháp căn cơ, bền vững để nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Cụ thể, khai thác hiệu quả, bền vững các thế mạnh về tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản hết sức đa dạng và phong phú, hạn chế việc khai thác kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân.
Đồng thời, cần tiếp tục lưu ý công tác bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo cuộc sống bình yên cho nhân dân, nâng cao đời sống để đồng bào các dân tộc không nghe theo các luận điệu phản động của các thế lực thù địch.
Cùng với cả nước, các địa phương vùng Tây Bắc cần triển khai có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, sớm có giải pháp để vùng Tây Bắc không tụt hậu so với các vùng khác.
Tăng trưởng bình quân 7,28%
Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Bùi Thanh Thu, trong nửa đầu năm, kinh tế toàn vùng giữ được ổn định và phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,28%. Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển khá, cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Kết quả sản xuất vụ đông xuân đạt khá, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 491.000 ha, tăng 1,33%, sản lượng lương thực đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chương trình phát triển cây cao su tiếp tục được triển khai theo hướng vững chắc. Tổng diện tích cao su đến hết tháng 6/2012 đạt 43.183 ha. Theo đánh giá của các tỉnh, cây cao su đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Các công trình trọng điểm được đẩy nhanh như đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Nhà máy Gang thép Lào Cai, đã ngăn sông Đà đợt 1 phục vụ thi công Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu, phát điện Tổ máy số 5 Nhà máy Thuỷ điện Sơn La.
Thương mại, dịch vụ cơ bản ổn định với tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 45.472 tỷ đồng, tăng 23,22% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 2,6%.
Các lĩnh vực văn hoá – xã hội, an ninh quốc phòng, dân tộc tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được bảo đảm với sự quan tâm lớn của các tỉnh trong toàn vùng.
Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo lưu ý các tỉnh cần quan tâm hơn nữa tới một số vấn đề lớn như cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa bền vững, một số chỉ tiêu kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Tài nguyên khoáng sản là lợi thế lớn trong vùng nhưng quản lý và khai thác còn nhiều hạn chế. Mạng lưới giao thông được cải thiện nhưng chỉ tập trung ở tuyến giao thông huyết mạch, giao thông đến thôn, xã còn yếu kém.
Đặc biệt, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn chống phá quyết liệt trên nhiều lĩnh vực với nhiều thủ đoạn, âm mưu khó lường, nhất là lôi kéo, kích động nhân dân, đồng bào vùng dân tộc thiểu số di cư tự do, tập hợp lực lượng chống phá Nhà nước và cuộc sống của nhân dân.
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù
Về công tác 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai nghiêm túc các chủ trương, giải pháp đã đề ra, bám sát thực tế với những vấn đề trọng tâm lớn.
Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, tiểu vùng, thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế rừng; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện; tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống chính trị cơ sở, trọng yếu về quốc phòng an ninh…
Ban Chỉ đạo chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các quyết định về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng như chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông và đường tuần tra biên giới; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Ban chỉ đạo tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền có các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững.
Đặc biệt, chỉ đạo và tổ chức phối hợp tốt các lực lượng, cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương để xử lý các tình huống, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng cường đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu chống phá Nhà nước và cuộc sống của nhân dân do các thế lực thù địch gây ra.
Nguồn www.chinhphu.vn