Theo Chi cục NTTS tỉnh, tính đến thời điểm ngày 9-7, tổng diện tích ao đìa có tôm bệnh trên toàn tỉnh là 350 ha, chiếm tỷ lệ 45% diện tích thả nuôi, trong đó 80% ao đìa tôm bệnh tập trung ở vùng đầm Nại. Nhưng con số này vẫn chưa dừng lại, chỉ tính trong tuần vừa qua đã có 22 ha ao đìa tôm nhiễm bệnh và diện tích ao nuôi tôm bệnh cứ tăng đều hàng tuần. Tôm bệnh chủ yếu trong giai đoạn từ 15-35 ngày tuổi và chết rải rác ở giai đoạn tiếp theo với triệu chứng, dấu hiệu không rõ ràng. Dù chưa gọi là dịch và chưa xác định bệnh có lây lan hay không nhưng diện tích ao đìa bệnh đã tăng một cách bất thường. Chúng tôi được biết, trong tháng 5 mới có 20,8 ha diện tích tôm nuôi bệnh, sang tháng 6 đã tăng lên gần 280 ha và hiện nay là con số đã nói trên. Trong tổng diện tích thả nuôi toàn tỉnh, ngoài 122 ha tôm sú, còn lại đều là tôm thẻ chân trắng và cả 2 loại tôm cùng có hiện tượng bệnh chết giống nhau. Điều đáng nói là vì chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên ngành chức năng vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị, tình hình này không chỉ ở nước ta mà còn diễn ra ở các nước có nghề nuôi tôm.
Nông dân Phước Dinh thả giống tôm thẻ chân trắng trên vùng đìa thuộc địa bàn thôn Từ Thiện
Ảnh: Sơn Ngọc
Tuy nhiên, do hội chứng tôm chết sớm, không phải không có nhân tố mới trong nghề nuôi tôm. Trở lại vùng nuôi tôm đầm Nại và vùng nuôi tôm trên cát An Hải-Phước Dinh lần này, chúng tôi bất ngờ trước sự thành công của mô hình nuôi “CPF Turbo Program” do Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP thực hiện thí điểm. Sự thành công không phải vì năng suất cao mà đáng chú ý là mô hình nuôi đã thoát khỏi ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm. Anh Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Quản lý khu vực Ninh Thuận- Bình Thuận nói: “Mô hình này áp dụng triệt để 4 yếu tố: Con giống, thức ăn, chương trình quản lý ao nuôi và hệ thống bảo vệ chống sự lây lan từ bên ngoài. Chúng tôi không dám nói mô hình có thể chặn đứng được hội chứng, song với kết quả đạt được ban đầu rất khả quan, mô hình đang được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh”. Mô hình “CPF Turbo Program”, là việc áp dụng hệ thống an toàn sinh học, chương trình đầu tư và quản lý trong ao nuôi tôm. Triển khai từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 trên diện tích 21,2 ha của 4 hộ nuôi tôm ở đầm Nại, An Hải, Phước Dinh; qua một vụ nuôi, ngoài cho thu hoạch năng suất cao, mô hình còn chứng minh đến thời điểm hiện tại đã kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế 100% hiện tượng tôm chết trong tháng đầu (hội chứng tôm chết sớm).
Theo anh Nguyễn Hữu Phước, mô hình thực hiện thử nghiệm ở khu vực An Hải có 6 ha của Công ty TNHH Thủy sản Hải Dương, 6,2 ha của ông Ngô Đình Thao và khu vực Phước Dinh có 3 ha của ông Ngô Văn Hải. Riêng hộ ông Nguyễn Quốc Triều có 5,5 ha ao tại Phương Hải (vùng đầm Nại), 2,2 ha ở Hòa Thạnh (An Hải) và 2,5 ha trong vùng Phú Thọ (Phan Rang-Tháp Chàm), 60% trong số diện tích được áp dụng theo mô hình nuôi “CPF Turbo Program” và hiện đang giai đoạn thu tỉa tôm. Từ thành công của các hộ, có thể thấy bên cạnh kỹ thuật, chương trình bắt buộc, điểm nhấn là khi thả nuôi phải có ao xử lý nước, đơn cử trong 24 ao của Công ty TNHH Thủy sản Hải Dương chỉ có 18 ao nuôi, còn lại là 6 ao xử lý nước. Anh Bạch Xuân Hiếu, nhân viên quản lý khu vực Ninh Thuận của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP nhấn mạnh: “Các hộ tham gia mô hình đạt hiệu quả đều có diện tích ao đìa lớn và đều dành diện tích ao thỏa đáng cho việc xử lý. Không có ao xử lý thì không thể nào áp dụng mô hình nuôi an toàn sinh học được”. Điều phấn khởi là cho đến nay chỉ mới tỉnh ta có mô hình nuôi khắc phục được hội chứng tôm chết sớm, trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của các tỉnh bạn, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Trước hiệu quả của mô hình nuôi “CPF Turbo Program”, Chi cục NTTS tỉnh đang đề xuất với ngành tiếp tục nhân rộng trong các khu vực nuôi, nhất là tại vùng nuôi tôm trên cát An Hải- Phước Dinh. Theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, trong quy trình kỹ thuật nuôi tôm sẽ có hướng dẫn tăng cường vi sinh khống chế tảo trong ao, giảm mật độ nuôi từ 60-80 con/m2 xuống còn 30-50 con/m2 và bắt buộc người nuôi phải sử dụng ao xử lý. Nhưng cái khó nhất chính là dành diện tích cho ao xử lý vì hầu hết các hộ nuôi trong tỉnh ta có diện tích nhỏ lẻ. Do vậy, cùng với việc tập huấn phổ biến cho người nuôi về kỹ thuật mới, theo chúng tôi, còn phải tổ chức các mô hình hợp tác, tập hợp người nuôi cùng cộng đồng trách nhiệm theo hướng nuôi an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường.
Bạch Thương