Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông: Bất đồng Trung Quốc-ASEAN

Các cuộc hội đàm giữa ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì liên tục bị trì hoãn.

Hai bên cố gắng đạt được tiến bộ trong nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) nhằm làm giảm tình hình căng thẳng hiện nay về vấn đề này.

Các nguồn tin ngoại giao hôm nay (11/7) cho hay cả Trung Quốc và ASEAN đang có nhiều bất đồng về cả nội dung cũng như cách thực thi COC. Hai phía cùng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN tổ chức tại thủ đô Phnompenh, Campuchia.

Việc ra Tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN cũng bị trì hoãn do các nước chưa nhất trí được về việc có nên đề cập hay không trong Tuyên bố này những tranh chấp gần đây về khu vực giàu tài nguyên giữa Trung Quốc/Philippines và Trung Quốc/Việt Nam.

“Ngoại trưởng các nước ASEAN đang họp khẩn cấp nhằm xử lý cách diễn đạt về Biển Đông trong bản Tuyên bố chung này,” một nhà ngoại giao châu Á đề nghị giấu tên nói với AFP.

Phía trước Cung điện Hòa Bình (Phnom Penh), nơi diễn ra hội nghị bộ trưởng thường niên
của ASEAN và Diễn đàn ARF (ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Indonesia, Marty Natalegawa, thừa nhận có tranh cãi về việc liệu có nên hay không nên đề cập những vụ việc gần đây, trong đó có chuyện giằng co giữa tàu bè Philippines và Trung Quốc tháng trước ở khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, vẫn là vấn đề nan giải.

Cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn trên.

“Điều quan trọng là chúng tôi phải bày tỏ quan ngại đối với những gì đã diễn ra, dù là ở các bãi cạn hay ở các thềm lục địa,” Ngoại trưởng Natalegawa nói với các phóng viên.

“Nhưng quan trọng hơn, chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở chỗ phản ứng lại chuyện đã xảy ra, mà sẽ phải tiến tới bảo đảm không tái diễn những điều tương tự”.

Manila đang kêu gọi ASEAN đoàn kết trong việc thuyết phục Trung Quốc chấp thuận Bộ Quy tắc ứng xử dựa trên Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), mà theo đó ranh giới khu vực biển thuộc về từng nước sẽ được phân định rõ.

Bắc Kinh cho đến nay vẫn tuyên bố sẵn sàng thảo luận một quy tắc hẹp hơn nhằm “xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và tăng cường quan hệ hợp tác” chứ không phải nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà Trung Quốc muốn đàm phán riêng rẽ với từng nước.

Trao đổi với báo giới vào ngày hôm nay, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết chính việc đem Bộ Quy tắc ra thảo luận đã ít nhiều có tác dụng xoa dịu các bên.

Ông Pitsuwan cho rằng các nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc như vậy đã có từ 10 năm trước nhưng mãi đến giờ các quốc gia mới tham gia một cách nghiêm túc và cố gắng đạt được những bước tiến nhất định.

Các vùng chồng lấn trong tuyên bố chủ quyền của các nước ở Biển Đông .
(Nguồn: D. Rosenberg/Middlebury College/Havard Asia Quarterly/Phil gov’t; Đồ họa: AFP)

Tuy nhiên, các cuộc hội đàm giữa ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì liên tục bị hoãn lại; một cuộc họp theo lịch trình là tổ chức vào buổi sáng có thể bị lùi xuống chiều muộn hôm nay.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ tới Campuchia để dự Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) diễn ra vào ngày mai (12/7). Washington cũng đang thúc đẩy nỗ lực giảm xung đột ở Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải có vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế thế giới.

“Chúng tôi mong muốn ASEAN và Trung Quốc đạt được tiến bộ trong việc xây nên Bộ Quy tắc ứng xử hiệu quả, đảm bảo rằng các thách thức một khi nổi lên sẽ được xử lý và giải quyết một cách hòa bình,” bà Clinton phát biểu tại Việt Nam hôm nay (11/7).

Ngoại trưởng Mỹ cho biết vấn đề Biển Đông sẽ được bàn thảo cùng với các chủ đề khác được các bên quan tâm tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) quy tụ 26 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu, khai mạc vào ngày mai (12/7).

Điều này có thể làm cho Bắc Kinh không hài lòng lắm khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân hôm nay (11/7) lại cho rằng ASEAN “thổi phồng” vấn đề Biển Đông, và cảnh báo nên đặt vấn đề đó bên ngoài chương trình nghị sự của ARF./.

Nguồn VOV Online