Tuổi thọ vệ tinh Vinasat–2 được tăng thêm hơn 6 năm

Tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật của Vinasat–2 đều đạt mức vượt xa chỉ tiêu, do vậy tuổi thọ của nó có thể kéo dài hơn sáu năm nữa. Ngày 4-7, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và nhà thầu sản xuất vệ tinh Lockheed Martin đã thực hiện bàn giao vệ tinh Vinasat–2.

Tuổi thọ không phải 15 mà là 21,3 năm

VNPT cho biết, sau khi được phóng thành công lên không gian vào lúc 5 giờ 13 phút ngày 16-5 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh Vinasat-2 đã được đưa từ quỹ đạo chuyển đổi đến quỹ đạo địa tĩnh (cách trái đất gần 36.000km) và đến ngày 21-5, vệ tinh Vinasat-2 đã được định vị thành công tại vị trí quỹ đạo 131,8 độ Đông. Chỉ vài giờ sau khi rời tên lửa đẩy, Trung tâm điều khiển mặt đất đã nhận được tín hiệu thu - phát từ vệ tinh Vinasat-2.

Lễ bàn giao vệ tinh Vinasat-2.

Thời gian qua, các chuyên gia của Lockheed Martin đã tiến hành đo kiểm toàn bộ hệ thống vệ tinh để bảo đảm hoạt động ổn định của Vinasat-2 trước khi bàn giao cho VNPT. Trong suốt quá trình đo kiểm vệ tinh trên quỹ đạo, các cán bộ kỹ thuật của VNPT và chuyên gia tư vấn của Telesat Canada đã bám sát tiến trình đo thử của Lockheed Martin.

Tại lễ bàn giao Vinasat–2, cả phía đối tác Lockheed Martin cũng như VNPT đều vui mừng cho biết, tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật của Vinasat–2 đều đạt mức vượt xa chỉ tiêu. Hơn nữa, kết quả kiểm tra chất lượng vượt độ tin cậy, đạt 0,87 so với mức 0,82 đã đề ra. “Chính vì thế thời gian sống của vệ tinh là 16 đến 21,3 năm so với thiết kế ban đầu là 15 năm”, ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết.

Theo ông, thời gian sống 21,3 năm của Vinasat–2 là thời gian cung cấp dịch vụ. Trước đó, tại buổi họp báo công bố về sự kiện phóng vệ tinh Vinasat-2, Phó tổng giám đốc VNPT, ông Phan Hoàng Đức cho biết, Vinasat-2 được thiết kế với tuổi thọ khoảng 15 năm và chỉ sau 10 năm là sẽ thu hồi được vốn đầu tư, những năm còn lại sẽ có lãi. Như vậy, có thể thấy thời gian “thu hồi lãi” của vệ tinh Vinasat–2 nhiều hơn sáu năm so với dự kiến.

Ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, các thử nghiệm về điều khiển, công suất hoạt động, truyền phát tín hiệu đều cho thấy vệ tinh Vinasat-2 bảo đảm các thông số về kỹ thuật, chất lượng như cam kết trong Hợp đồng. Ngày 21-6 vừa qua, tại nhà máy của Lockheed Martin, các bên đã ký biên bản phê chuẩn kết quả đo kiểm chi tiết vệ tinh trên quỹ đạo.

Đến thời điểm này, quyền điều khiển vệ tinh đã chính thức được chuyển cho Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) thuộc VNPT - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và kinh doanh các dịch vụ vệ tinh Vinasat.

“Theo quy định của hợp đồng, sau khi bàn giao vệ tinh, Lockheed Martin sẽ tiếp tục cử hai chuyên gia đến hỗ trợ trực tiếp trong khoảng thời gian ba tháng. Sau khi tiếp nhận bàn giao, ngay trong tháng 7, VNPT sẽ chính thức cung cấp các dịch vụ từ Vinasat-2”, vị lãnh đạo VNPT cho biết.

Vinasat–2 vay được vốn hỗ trợ từ Mỹ

Liên quan tới thông tin, ngày 25-6, hãng Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phê chuẩn đề xuất của Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Mỹ (Export-Import Bank) mở gói cho vay 125,9 triệu USD cho VNPT mua vệ tinh truyền thông và truyền hình của Mỹ.

Bên lề lễ bàn giao Vinasat–2, ông Hoàng Minh Thống cho biết, từ năm ngoái VNPT đã bắt đầu khởi động vay vốn, từ việc khởi động kế hoạch, đề xuất, làm hồ sơ…; trong khi, phía đối tác cho vay là Mỹ cũng với khá nhiều thủ tục và rất lâu vì phải điều tra, phân tích, đánh giá doanh nghiệp vay.

“Vừa rồi mới được Tổng thống Obama phê chuẩn. Kế hoạch chấp thuận khoản vay trên sẽ phải trình lên Quốc hội Mỹ xem xét trong 35 ngày trước khi được hội đồng quản trị của Eximbank thông qua. Tuy nhiên, về cơ bản, việc Tổng thống chấp thuận là được rồi còn Quốc hội chỉ thông qua về thủ tục”, ông Thống cho biết.

Cũng tại lễ bàn giao, ông Joe Ricker, Tổng giám đốc Lockheed Martin cho biết, hiện Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Mỹ đang trong quá trình phê duyệt khoản vay dành cho Vinasat–2, sau đó, số tiền sẽ về VNPT và dùng trả cho những khoản vay mà VNPT đã thực hiện cho dự án. “Sau một tháng, khoản vay này sẽ về đến VNPT. Đây không phải lần đầu khách hàng của chúng tôi vay theo hình thức này. Hình thức này ngày càng phổ biến hơn. Tất cả những nhà khai thác khác của Mỹ đều xin được những khoản vay như thế”, ông Joe Ricker nói.

Theo ông Thống, lãi suất của khoản vay 125,9 triệu USD khá thấp và hợp lý, thấp hơn rất nhiều so với lãi suất vay ở trong nước. Ngoài ra, nguồn vốn vay này có sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ. Thông thường, với những dự án của Mỹ, ví dụ như dự án Vinasat do Mỹ sản xuất thì Chính phủ nước này sẽ có khoản hỗ trợ lãi suất vay. Và đây gần như là khoản vay hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.

Ông Thống cũng cho biết, khoản vay 125,9 triệu USD (tương đương 50% tổng vốn đầu tư của dự án) được VNPT sử dụng để trả khoản nợ khoản đã vay trước đó cho Vinasat–2, gồm cả trong và ngoài nước.

Nguồn Báo Nhân Dân điện tử