Xã Phước Vinh hiện có 5 thôn, trong đó có 2 thôn nằm trong Chương trình 135 là thôn Liên Sơn 1 và Liên Sơn 2, có gần 100% dân số là đồng bào Raglai sinh sống. Tuy điều kiện đi lại, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến rõ rệt. Đây cũng chính là kết quả của sự nỗ lực cố gắng của Hội Phụ nữ xã trong công tác tuyên truyền, vận động. Chị Nguyễn Thị Kim On cho biết: “Thuận lợi lớn nhất mà Hội đã phát huy được, đó là tất cả các chi hội trưởng của Chi hội Phụ nữ các thôn đều là cộng tác viên dân số của xã. Kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết với hoạt động Hội, cộng với kiến thức về DS-KHHGĐ của một cộng tác viên dân số, các chị đã dễ dàng tập hợp được các chị em trong độ tuổi sinh đẻ tham gia sinh hoạt Hội; lồng ghép nội dung tuyên truyền về DS-KHHGĐ trong các buổi sinh hoạt thường kỳ; tuyên truyền vận động chị em trong chi hội mình thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không sinh con thứ 3…
Cán bộ Trạm Y tế xã Phước Vinh tư vấn biện pháp tránh thai cho phụ nữ.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 CLB “Không sinh con thứ 3”, trong đó một CLB của thôn Liên Sơn 1 và CLB còn lại tập hợp chung phụ nữ trong toàn xã. Định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, các hội viên tham gia sinh hoạt. Để tránh nhàm chán, ngoài nội dung tập huấn, tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ, Ban chủ nhiệm CLB đã lồng ghép nhiều nội dung sinh hoạt khác như: Các thông tin hoạt động của Hội, biểu dương những cặp vợ chồng không sinh con thứ 3, thực hiện tốt KHHGĐ, những gia đình đạt danh hiệu văn hóa… Đặc biệt, mô hình “góp vốn xoay vòng” giúp chị em phát triển kinh tế rất được hội viên CLB hưởng ứng, đã góp phần giải quyết khó khăn cho nhiều gia đình. Hàng tháng, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trạm Y tế tổ chức tốt các buổi khám thai, khám phụ khoa định kỳ cho chị em, tư vấn các biện pháp tránh thai cho cả phụ nữ và nam giới…
Từ đầu năm 2012 đến nay, xã Phước Vinh đã có 1.247 trường hợp sử dụng biện pháp tránh thai. Điều đáng mừng ở Phước Vinh hiện nay là việc thực hiện KHHGĐ không chỉ còn là chuyện riêng của phụ nữ mà được nam giới chia sẻ. Nhiều người chồng không chỉ tình nguyện thực hiện các biện pháp KHHGĐ mà còn tuyên truyền, động viên vợ cùng tham gia, động viên gia đình trong dòng tộc mình cùng thực hiện “dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt”.
Với những nỗ lực không ngừng của Hội Phụ nữ xã Phước Vinh đã góp phần tích cực làm chuyển biến nhận thức của các cặp vợ chồng trong công tác DS-KHHGĐ, từ đó có điều kiện chăm sóc con cái khỏe mạnh, ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bích Thủy