Phát triển du lịch biển cần gắn với tạo sinh kế bền vững cho cư dân vùng dự án

(NTO) Quy hoạch phát triển du lịch biển được xác định là trọng điểm du lịch của tỉnh. Đến nay, ngày càng có nhiều dự án đầu tư được cấp phép, đi vào hoạt động.

Diện tích đất ven biển của tỉnh có số lượng dự án đầu tư các resort, khách sạn, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng ngày càng gia tăng. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch đang được triển khai với nhiều công trình, dự án; các tuyến đường giao thông tạo sự kết nối với trung tâm du lịch trong khu vực đang được đầu tư; các chính sách thu hút đầu tư đang được tỉnh quan tâm thực hiện; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành Du lịch, mà đặc biệt là du lịch biển tại tỉnh nhà.

Thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: Duy Anh

Mặc dù vậy, xét trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong khu vực; so với các tỉnh khác thì cơ cấu du lịch biển của tỉnh được chi phối bởi các doanh nghiệp nhỏ và cơ cấu chất lượng thấp, cạnh tranh chủ yếu trên cơ sở giá cả. Quy mô, thương hiệu ngành du lịch biển của tỉnh còn thấp kém, thua xa các khu vực lân cận như Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng. Cả tỉnh cho đến nay mới chỉ có 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao, còn lại là từ 3 sao trở xuống; các khu du lịch, khách sạn quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, trong giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã có nhiều biện pháp thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác phát triển các khu du lịch biển có chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành Du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng của tỉnh. Để thỏa mãn yêu cầu nâng cao chất lượng các khu du lịch, dịch vụ ven biển đáp ứng tiêu chuẩn ngang tầm quốc tế đòi hỏi phải tăng diện tích đất và mặt nước biển cho mỗi dự án. Từ đó, đã có một số vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai các dự án, cần phải được xem xét để giải quyết một cách căn cơ, đề ra các giải pháp mang tính bền vững, tạo sự đồng thuận cao. Đó là cần phải có biện pháp quản lý nhà nước nhằm giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích trong sử dụng tài nguyên biển và tài nguyên đất ven biển; đảm bảo sử dụng hiệu quả đồng thời bảo vệ bền vững tài nguyên – môi trường biển.

Thực tế đã xảy ra mâu thuẫn về lợi ích giữa cư dân vùng dự án và chủ đầu tư trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên như: tranh chấp trong việc sử dụng mặt nước biển để tổ chức các hoạt động thể thao, giải trí với nuôi tôm hùm lồng trên biển, kinh doanh, khai thác thủy sản… tranh chấp trong việc sử dụng bờ biển, bãi tắm để kinh doanh, buôn bán…Thậm chí có dự án phải cần đến sự can thiệp, hòa giải của chính quyền cấp xã, cấp huyện.

Biển Cà Ná - điểm đến của du khách trong các dịp lễ tết. Ảnh: Lê Pháp

Có nhiều nguyên nhân để xem xét tình trạng mâu thuẫn trên, có thể là yếu tố lịch sử, truyền thống về sử dụng tài nguyên của cư dân vùng dự án; cũng có thể là yếu tố lợi ích kinh tế; cũng có thể do chưa có quy định rõ ràng về phân định ranh giới trên biển; sự quản lý sử dụng mặt nước biển còn chưa được quan tâm đúng mức…. Nhưng có thể nói, nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do giá trị sử dụng bờ biển và mặt nước biển ngày càng tăng cao, trong khi đó đa phần cư dân vùng ven biển là ngư dân và các sinh kế chủ yếu gắn liền với các bãi biển, vùng biển gần bờ… khi triển khai các dự án du lịch đã đụng chạm trực tiếp đến lợi ích và vùng sinh kế của họ.

Mặc dù khi lập và phê duyệt phương án đầu tư của mỗi dự án, việc giải quyết sinh kế, đền bù thiệt hại cho cư dân vùng dự án luôn được Nhà nước và nhà đầu tư đề cập đến, thậm chí có dự án còn tính đến các phương án giải quyết việc làm cho lao động trong vùng dự án, tạo điều kiện cho các gia đình chịu thiệt hại do việc thực hiện dự án được tham gia vào hoạt động của dự án, tạo thu nhập ổn định cùng dự án. Tuy vậy, dường như trong quá trình thực hiện các phương án giải quyết việc làm, đền bù các thiệt hại do quá trình thực hiện dự án chưa thực sự làm hài lòng, chưa tạo được sự yên tâm cho cư dân vùng dự án. Từ đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tự phát, sai quy định vẫn tiếp tục xảy trên các bờ biển, mặt nước biển, nơi đã được đầu tư các dự án. Những hành động đó làm cản trở hoạt động của các dự án; làm giảm sức hút, nản lòng các nhà đầu tư; làm căng thẳng tình hình tại vùng dự án và các hệ lụy kinh tế - xã hội khác; đòi hỏi cần phải có biện pháp can thiệp từ phía Nhà nước, giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và cư dân vùng dự án. Một giải pháp được đề xuất ở đây là: phát triển du lịch biển gắn với tạo sinh kế bền vững cho cư dân vùng dự án.

Phát triển du lịch biển gắn liền với tạo sinh kế bền vững cho cư dân vùng dự án có thể được hiểu là: khi triển khai một dự án nào đó cần phải tính đến việc triển khai các hoạt động, chương trình gắn kết giữa hoạt động của các dự án đầu tư và các hoạt động làm ăn, sinh sống cho cư dân ven biển thuộc vùng dự án; thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động kinh doanh của dự án; tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp và người dân. Một số biện pháp cụ thể như: đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững, xây dựng chương trình du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn biển, đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch; phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch giao lưu trao đổi văn hóa … cho cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho người dân “cộng sinh” cùng dự án, gia tăng thu nhập từ các dự án đầu tư, hạn chế được tình trạng khai thác tận diệt các nguồn lợi thủy sản, gây tác động xấu đến môi trường do tập quán cũ, do mất các nguồn lợi hiện có khi thực hiện dự án có thể gây ra.

Hy vọng, với sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân vùng dự án, các dự án du lịch ven biển của tỉnh sẽ sớm phát huy hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng sẵn có của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng cho địa phương, đồng thời đảm bảo nâng cao thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng ven biển tỉnh Ninh Thuận.