Lúa gạo là mặt hàng chính trị

Tại Hội thảo quốc tế “An ninh lương thực tại Việt Nam: Thực trạng, chính sách và triển vọng, lần đầu tiên, khái niệm “lúa gạo là mặt hàng chính trị” đã được đề cập.

Kinh nghiệm ở các nước cho thấy, khi mức sống càng ngày càng cao, quyền lực của nông dân ngày càng mạnh thì sức ép của nông dân lên chính phủ càng lớn. Một ví dụ cụ thể là tại Thái Lan, nông dân đã bỏ phiếu bầu cho Thủ tướng Yingluck khi họ được chính phủ cam kết mua gạo với giá cao. Tại Việt Nam, lúa gạo là mặt hàng chính trị vì đây là nguồn lương thực chủ yếu của người dân và tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 triệu nông hộ trên toàn quốc.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn Internet

GS.Peter Timmer, chuyên gia hàng đầu thế giới về lúa gạo đưa ra dự báo, chỉ trong 10 năm tới, thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thừa lương thực và điều này sẽ tác động không nhỏ tới quốc gia xuất khẩu gạo lớn như VN. 

“Tiêu dùng gạo đang ngày càng giảm mạnh trong khi nguồn cung lại không ngừng tăng. Nghĩa là thế giới sắp phải đối diện với cuộc khủng hoảng lương thực giá thấp. Thật là khó để dự báo cho tương lai nhưng tôi muốn khuyến cáo các bạn rằng, nên cân nhắc cẩn trọng cho những quyết định đưa ra hôm nay, bởi nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của 10, 20 năm tới”, GS.Peter Timmer, ĐH Stanford, Hoa Kỳ nhấn mạnh. 

Trong khi đó, các nghiên cứu của World Bank cho thấy, tại ĐBSCL hiện nay, hầu như không còn nông dân nào có thể kiếm sống được chỉ từ trồng lúa, chỉ có 3% nông dân VN có diện tích đất lúa hơn 2ha. Nhưng kể cả với số nông hộ ít ỏi này thì mức quy định lợi nhuận tối thiểu 30% cũng chỉ cho họ mức thu nhập dưới 1USD/người/ngày. 

“Tôi cho rằng, chính phủ VN nên chuyển đổi từ mục tiêu an ninh lương thực sang tạo sinh kế và hỗ trợ cho nông dân trồng lúa. VN cũng nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng một hệ thống minh bạch nhằm giảm thiểu những biến động quá mức về giá lương thực. Đặc biệt là nên tách bạch hóa mục tiêu kinh doanh thương mại với nhiệm vụ thực thi trách nhiệm xã hội của một số công ty hiện nay, TS.Steve Jaffee, Điều phối viên NN-NT của World Bank tại VN khuyến cáo. 

Sau 20 năm tham gia xuất khẩu, gạo VN vẫn chưa cải thiện được thu nhập cho nông dân trồng lúa. Theo TS.Đặng Kim Sơn, nguyên nhân chính là do những bất cập trong thực thi chính sách. Một ví dụ là việc thu mua tạm trữ lúa gạo, sự vòng vèo từ việc hỗ trợ ngân hàng, đến DN rồi mới đến tay nông dân đã khiến hiệu quả giảm đi nhiều. 

“Tôi tin rằng trong tương lai chúng ta phải thay đổi việc này, một là số lượng nông dân sẽ giảm, chất lượng nông dân sẽ tăng và vai trò của nông dân sẽ quan trọng hơn, thứ hai là thực lực của Nhà nước sẽ mạnh hơn và khả năng quản lý sẽ tốt hơn. Nhưng tôi nghĩ là phải có tiếng nói và vai trò của chính người nông dân trong quá trình xây dựng chính sách, triển khai và thực hiện chính sách. Và cuối cùng, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách phải đánh giá hiệu quả của chính sách có đạt được yêu cầu hay không, có đến tay người nông dân hay không để củng cố nó và tạo điều kiện để chính sách đúng như mục tiêu đề ra ban đầu”. 

Cũng theo các chuyên gia, để giải quyết an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho nông dân thì tăng thêm sản lượng lúa gạo không phải là giải pháp căn bản. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc tạo một sân chơi minh bạch và bình đẳng cho mọi tác nhân trong kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo sẽ đem lại hiệu quả thiết thực hơn.

Nguồn VTV.VN