Thực tế là đến nay, mọi lĩnh vực khác nhau đều cần đến CNTT-TT để phát triển chính mình. Vì thế, CNTT-TT là rất cần thiết song cái khó là phải chỉ ra được xem CNTT-TT nằm ở đâu và sẽ hoạt động như thế nào trong cái tổng thể đó. Và thực tế với không ít cơ quan, tổ chức ở Việt Nam là cũng giống như ngành xây dựng là CNTT-TT cũng “vừa thiết kế, vừa thi công”. Đương nhiên, với cách làm này thì cái giá phải trả bởi thực tế “không thể đập đi làm lại” là điều tất yếu. Hệt như chuyện phòng làm việc, phòng khách không có ánh sáng tự nhiên thì không thể nói chuyện tiết kiệm năng lượng được. Không chỉ có vậy, chắc chắn sẽ còn nhiều câu chuyện nữa của CNTT-TT với không ít bất cập tồn tại nếu bàn đến.
Khi CNTT-TT được định nghĩa là hạ tầng của hạ tầng thì phải đặt câu hỏi xem cái gì sẽ chạy trên đó nếu không phải là tiếng Việt? Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Dẫu vậy, vẫn còn một thực tế mà nếu đề cập thì ai cũng thấy như động phải tổ kiến lửa. Đó là câu chuyện về mối quan hệ giữa CNTT-TT với ngôn ngữ học (NNH). Cách đây 1 năm, câu chuyện này đã rộ lên sau những phát biểu của TS Quách Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục & Đào tạo khi ông đặt vấn đề cần thừa nhận chính thức 4 ký tự F, J,W, Z trong tiếng Việt hiện đại. Sự việc này sau đó đã tiếp nhận các luồng ý kiến khác nhau song về cơ bản là không thuận lợi dù có một thực tế là các ký tự đó đang được sử dụng và thậm chí là phổ biến. Bộ Giáo dục & Đào tạo thừa nhận có việc xây dựng thông tư về chuẩn tiếng Việt trên môi trường máy tính và ấn bản giáo dục song vấn đề 4 ký tự F, J, W, Z chỉ là đề xuất mang tính cá nhân và không phải là chủ trương của Bộ. Một vài cuộc hội thảo cũng đã được tổ chức sau đó nhằm “vỡ hoang” cho mối quan hệ này. Tuy nhiên, mọi việc cũng chưa tiến triển được gì bởi đó là vấn đề quá khó và chỉ làm được khi có sự tham gia chủ động của các cơ quan nhà nước.
Trở lại với niềm phấn khởi rằng CNTT-TT được định nghĩa là hạ tầng của hạ tầng, hẳn rằng nếu tư duy nghiêm túc thì phải đặt câu hỏi xem cái gì sẽ chạy trên đó nếu không phải là tiếng Việt. Và cũng cần nhắc lại rằng trong các nhiệm vụ đặt ra của Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT có một tiểu nhiệm vụ là “Xử lý tiếng Việt”. Thậm chí, nó còn là vấn đề quan trọng nhất của Đề án này theo nhìn nhận của một số người dù rằng họ chỉ là thiểu số.
Trở lại với một phần nhỏ của “xử lý tiếng Việt” là chuyện thống nhất chuẩn chính tả, đây là việc phải làm ngay và không nên chậm trễ thêm 1 năm nữa. Nên chăng, chính các cơ quan báo chí nên vào cuộc để xúc tiến tiến trình này. Là tờ báo đã chủ động phản ánh, báo Bưu điện Việt Nam nên xúc tiến việc này và thậm chí trong vai trò chủ trì chứ không chỉ riêng cho việc vận động dư luận. Tiếp đó là cả nhiệm vụ “xử lý tiếng Việt” thì báo chí cũng có nhiều thuận lợi để giúp các bên có cùng mối quan tâm ngồi lại với nhau. Vì thế, rất mong báo Bưu điện Việt Nam sớm chủ động với “xử lý tiếng Việt” nhằm góp phần giúp Bộ Thông tin & Truyền thông cụ thể hoá được nó càng sớm càng tốt. Có như vậy thì CNTT-TT mới sớm thực sự là một hạ tầng của hạ tầng như mong muốn được.
Nguồn ICTnews