Vì lợi nhuận, một số người buôn bán vô lương tâm đến mức mua gia súc, gia cầm bệnh dịch chết với giá như cho, sau đó “phù phép” và hợp tác với các cơ sở chế biến để sản xuất ra các thực phẩm bán cho người tiêu dùng, mặc dù ngay bản thân họ cũng quá biết là rất nguy hiểm khi dùng! Đối với mặt hàng rau, quả một phần vì thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, một phần cũng vì lợi ích cá nhân… nên người sản xuất “vô tư” sử dụng thuốc sâu, chất kích thích cho cây trồng, tối bơm thuốc, sáng thu hoạch; để củ, quả tươi lâu thì dùng hóa chất để ngâm… Người sản xuất đã “vô tư”, đến người mua cũng “vô tư”, vậy là vô tình đã đưa một lượng “tồn dư” độc tố trong rau, quả vào cơ thể khi sử dụng.
Khách hàng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh Sơn Ngọc
Tuy chưa đến mức phải ngộ độc sau khi ăn nhưng về lâu dài sức khỏe sẽ bị tổn hại. Đối với hải sản cũng vậy, một số ngư dân đã dùng phân urê để ướp khi đánh bắt, đến một số người bán tại chợ cũng dùng hóa chất để làm tươi lâu cho hải sản mà không biết rằng điều đó có thể làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng…
Thực trạng nêu trên đã làm cho không ít người tiêu dùng lo ngại khi mua và sử dụng thực phẩm cả tươi sống lẫn hàng đã qua chế biến, nhưng khổ nỗi nhu cầu lại không thể thiếu!. Vậy làm thế nào để phân biệt được thật, giả khi chọn mua? Đây quả là bài toán nan giải. Theo chúng tôi, trước hết người tiêu dùng phải tự trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm để … tự biết bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Trong đó, ngành chức năng liên quan cũng cần thường xuyên thông tin và hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành nông nghiệp cần chỉ đạo các đơn vị liên quan khuyến cáo cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn cho sản phẩm khi đưa đến người tiêu dùng. Mặt khác, cần xử lý thích đáng các đối tượng cố tình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vì mục đích lợi nhuận…
“Hãy làm người tiêu dùng thông thái!”. Lời khuyên này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
A.T