LTS: Thành tích là kết quả làm việc sáng tạo, là thước đo đạo đức và tài năng của mỗi người, mỗi tập thể. Chính vì vậy mà chúng ta rất quý trọng thành tích. Nhưng trong thực tế, có những người làm chưa được bao nhiêu đã kể công, có một ít thành tích thì sinh ra kiêu ngạo, thậm chí có người còn “nặn” ra thành tích để báo công. Khi đang công tác tại Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết phê phán căn bệnh này đăng trên Tạp chí Cộng sản số 11-1977. Báo Ninh Thuận xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thành tích thì ai chẳng quý. Bởi vì thành tích biểu hiện kết quả của lao động dũng cảm, chiến đấu quên mình, học tập chăm chỉ, công tác cần mẫn của một người hay một tập thể. Phấn đấu để có nhiều thành tích cũng tức là phấn đấu để làm ra nhiều của cải vật chất và văn hóa cho xã hội, làm giàu cho đất nước và nâng cao đời sống của nhân dân. Phấn đấu để có thành tích không phải đơn giản, dễ dàng, mà phải bỏ ra nhiều tâm sức, trí tuệ, vượt nhiều gian khổ, khó khăn. Phấn đấu để ngày càng có thêm thành tích, ngày càng cống hiến nhiều cho cách mạng là yêu cầu của Ðảng đối với mỗi chúng ta, là thước đo đạo đức, tài năng của mỗi cán bộ, đảng viên. Cả nước ta đang bước vào thời kỳ đổi mới, đang ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mỗi người cần phát huy hơn nữa tinh thần cách mạng tiến công, khắc phục thái độ làm việc hời hợt, cầm chừng, dũng cảm vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, lập nhiều thành tích xuất sắc. Nếu tất cả mọi người, mọi đơn vị đều cố gắng thi đua lập thành tích thì sự nghiệp cách mạng, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, cũng sẽ thắng lợi vẻ vang. Chính vì thế mà chúng ta hết sức quý mến, trân trọng, cảm phục và noi theo những người đã lập nên thành tích. Ðảng ta, Nhà nước ta luôn luôn khuyến khích, động viên mọi người gắng sức để có nhiều thành tích. Những cá nhân và tập thể lập nhiều thành tích được biểu dương, khen thưởng; những cán bộ có nhiều thành tích được cất nhắc, đề bạt. Ðó là điều cần thiết và hợp lý.
Trong thực tiễn có rất nhiều cá nhân và đơn vị nhận thức đúng vấn đề thành tích, có thái độ đúng mỗi khi lập được thành tích và ra sức phấn đấu để ngày càng có thêm nhiều thành tích với động cơ trong sáng, vô tư, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp chung của cách mạng. Tuy nhiên, cũng có những người, những đơn vị không có nhận thức và hành động đúng đắn trong vấn đề này.
Một số người đã có ít nhiều thành tích, công lao, nay quay ra kể công với cách mạng. Họ khoe khoang, tự phụ, tự cho mình là hay, là giỏi, là “công lao nhất mực” để rồi từ đó kèn cựa, so bì, đòi địa vị, đòi hưởng thụ. Không được thì bất mãn, oán trách Ðảng, oán trách Nhà nước; thậm chí có khi tự đặt mình lên trên tập thể, ra ngoài kỷ luật, làm trái cả chính sách và nguyên tắc của Ðảng và Nhà nước, gây mất đoàn kết nội bộ. Họ quên rằng có được thành tích trước hết là do cố gắng chung của tập thể, phần đóng góp của mỗi người dù có lớn đến đâu cũng rất nhỏ bé so với những hy sinh to lớn của toàn dân, toàn Ðảng. Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân, của Ðảng, hàng triệu đồng bào, đồng chí không tiếc mồ hôi, xương máu của mình, dám xả thân cho nghĩa lớn đâu phải vì muốn cách mạng trả công? Không thể vì có chút ít thành tích mà sinh ra công thần, đòi hỏi cái này, cái khác.
Một số người, một số đơn vị khi đã có ít nhiều thành tích rồi thì sinh ra kiêu ngạo, tự mãn, lúc nào cũng say sưa với thành tích, muốn nghỉ ngơi, dừng lại, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên hơn nữa. Họ không thấy rằng, họ có quyền tự hào với thành tích, nhưng phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn xác định rằng thành tích của mình dẫu sao cũng chỉ là kết quả bước đầu của cả quá trình phấn đấu lâu dài. Những nhiệm vụ vừa qua đã gay go, gian khổ, song trên bước đường tiến lên, những nhiệm vụ sắp tới còn gay go, gian khổ hơn nhiều, đòi hỏi phải tiếp tục phấn đấu, hy sinh hơn nữa. Người đảng viên không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã làm được. Nếu bằng lòng với thành tích đã qua, quá say sưa với những cái đã đạt được, không tiếp tục vươn lên để hoàn thành tốt hơn nữa mọi nhiệm vụ thì như vậy là trượt cầu xuống dốc và có thể dẫn tới thoái bộ, lạc hậu.
Ðáng trách hơn nữa là có một số người do mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà đã mắc bệnh thành tích. Họ làm việc gì cũng chỉ vì thành tích, lúc nào cũng nghĩ đến thành tích với những tính toán nhỏ nhen, những xoay xở vụ lợi. Vì thành tích, họ sẵn sàng làm dối, làm ẩu; họ gièm pha, nói xấu người khác, không muốn hợp tác và giúp đỡ người khác, thậm chí có khi gây khó khăn cho người khác, “chơi xấu”, kìm hãm không cho người khác có thành tích hơn mình. Họ rất thích những ai đề cao, ca ngợi họ; thích nghe người ta nói đến ưu điểm, thành tích, không thích nghe khuyết điểm, rất sợ người khác phê bình. Nếu không che giấu được khuyết điểm, không lẩn tránh được phê bình thì họ “tìm” nguyên nhân khuyết điểm đó ở phía khách quan, ở người khác, ngành khác. Bằng mọi cách họ cố làm cho họ nổi bật lên, cao hơn người, mặc dù có khi bề ngoài làm ra vẻ nhún nhường, khiêm tốn. Cũng có khi họ đạt được một số kết quả nào đó, nhưng đằng sau thành tích đó, không phải là động cơ đúng đắn, không phải vì muốn đóng góp cho sự nghiệp chung, mà chủ yếu là vì tiếng tăm, vì lợi ích riêng tư, cục bộ của cá nhân, đơn vị mình.
Ở mức độ nặng hơn, những người mắc bệnh thành tích còn nặn ra cả “thành tích” bằng cách báo cáo gian dối, xuyên tạc sự thật. Trong sản xuất không có năng suất và sản lượng cao, họ tìm cách “dựng lên” những năng suất và sản lượng cao, có khi rất cao; kế hoạch sản xuất không hoàn thành, họ bịa đặt ra là hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức; sản phẩm làm dở dang thì báo cáo là sản phẩm hoàn chỉnh; “mượn kế hoạch năm sau đắp vào kế hoạch năm trước”, chỉ một khối lượng sản phẩm qua báo cáo của hai năm trở thành gấp đôi! Họ bày đặt ra đủ thứ, bố trí “khôn khéo” đủ điều để đánh lừa cấp trên và dư luận. Trong xây dựng, họ chạy theo “thành tích” tiến độ, cốt để kịp “khánh thành”, “chào mừng”, bất chấp chất lượng, các quy trình kỹ thuật, thậm chí còn ăn cắp vật tư, bớt xén nguyên vật liệu. Trong thi đua, họ sẵn sàng khai man thành tích, có ít suýt ra nhiều. Trong giáo dục, họ chấm điểm vống lên, chẳng cần biết chất lượng giảng dạy và học tập, chỉ cốt có thành tích báo cáo đạt tỷ lệ thi đỗ cao, có nhiều học sinh và giáo viên giỏi, v.v... và v.v...
Có thể nói, bệnh thành tích đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, dẫn đến làm ăn gian dối, báo cáo không trung thực và nguy hại là tạo ra một nếp nghĩ, nếp làm rất xấu. Nếu không có phương thuốc hữu hiệu chữa chạy căn bệnh này thì không biết rồi tình hình sẽ đi đến đâu.