Chúng ta đều biết cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, trong sáng và cao đẹp, là tấm gương cho muôn đời cháu con. Nhưng cuộc đời Bác cũng có những "nỗi đau", một trong những nỗi đau đó là về “tình hình Đảng ta và phong trào cộng sản quốc tế”. Người chiến sĩ cộng sản đích thực thì không chỉ biết dũng cảm chiến đấu với kẻ thù mà còn dũng cảm đấu tranh bảo vệ sự thật, không dối mình, dối Đảng, dối nhân dân, không thoả hiệp với những kẻ đi ngược lại với lợi ích của dân tộc. Ngược lại, kẻ cơ hội thường tìm mọi cách dù là xấu xa để tiến thân. Những kẻ này mau thoái hoá, hủ bại, là loại người nguy hiểm nhất, sẽ quay lưng lại với Đảng khi có dịp, họ rất sợ bị khai trừ khỏi Đảng nhưng ở trong Đảng thì lại như khách trọ, họ coi đó là cái cầu để thăng quan, tiến chức, vun vén cho lợi ích cá nhân. Loại đảng viên này đang là một “bộ phận không nhỏ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe ý kiến của cử tri. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Từ những tấm gương anh hùng như bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc..., soi vào “bộ phận không nhỏ” đội ngũ cán bộ, đảng viên hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình, lo lắng. Ở “bộ phận không nhỏ” đó, chủ nghĩa cá nhân đã lấn át lẽ sống “vì mọi người”, vì Tổ quốc, dân tộc. Khi chủ nghĩa cá nhân ngự trị lương tâm và lý trí, họ trở thành người sống bằng thủ đoạn, đặc quyền đặc lợi, vơ vét làm giàu bằng mọi giá. Ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhìn một số cán bộ, đảng viên mắc sai phạm phải chịu án kỷ luật, nhiều người đã nói với nhau “giá như các ông ấy biết dừng lại đúng lúc”, “giá như lãnh đạo cấp trên một lòng vì dân vì nước, biết lắng nghe, không quan liêu, buông lỏng, né tránh trách nhiệm”…
Ở Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh nơi tôi đang sống, khi được thanh tra, nhiều cán bộ chủ chốt đã bị kỷ luật và phải “ra đi”, để lại nhiều tai tiếng khó gột rửa. Điều kỳ lạ là, những sự vụ “nóng” được lộ ra sau đại hội đảng bộ nhiệm kỳ từng được đánh giá “thành công tốt đẹp” chỉ vài ba tháng. Nhưng lúc này biết trách ai?
Chúng ta cần củng cố và thiết lập quan hệ hợp lý giữa Đảng và Nhà nước. Hiện nay, mối quan hệ này vẫn còn lẫn lộn, có lúc bao sân nhưng cũng có lúc để trống trách nhiệm quan trọng. Cần tích cực đổi mới phương thức hoạt động để thật sự dân chủ, xứng đáng là Đảng cầm quyền, không độc đoán, dẫn dắt đất nước đi lên, bảo đảm văn minh, văn hoá Đảng. Chúng ta rất cần và phải có một cơ chế về nhân sự rõ ràng, minh bạch, công khai, dựa trên sự lựa chọn khoa học, dân chủ, khách quan, trung thực, chính xác của đảng viên và quần chúng nhân dân. Đảng ta muốn lãnh đạo được tốt, có uy tín và thuyết phục hơn thì trước hết Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, có cơ chế kiểm sát hữu hiệu các nguồn lực. Phải kiên quyết tuyên chiến với chủ nghĩa cá nhân, kẻ thù số một hiện nay đang phá hoại Đảng ta. Lũ giặc nội xâm này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm rất nhiều, chúng ở cận kề ta, trong lòng ta, rất khó phát hiện và loại trừ. Hơn lúc nào hết, trước tình hình bất ổn chung hiện nay, đất nước ta, nhân dân ta rất cần một bộ máy Đảng và Nhà nước xứng tầm, có nhiều người tài năng, chuẩn mực về đạo đức được chọn ra từ cơ chế thực sự dân chủ, xứng đáng là những người cầm lái.
Chúng ta không nên mải mê chạy theo thành tích, đắm chìm trong ánh hào quang của quá khứ, duy ý chí mà phải cải cách mạnh mẽ, nhìn thẳng vào thực trạng, vào những yếu tố làm cho cơ thể Đảng ta, đất nước ta lâm bệnh nan y, nhờn thuốc. Đảng ta với định hướng rõ và thực hành chế độ dân chủ, đây là vấn đề lớn thể hiện bản chất chế độ. Muốn bảo đảm dân chủ đích thực, bắt buộc mọi cơ quan trong hệ thống chính trị phải có sự giám sát, không để cho bất cứ một nhân danh nào, một hệ thống nào bị đóng kín như vùng cấm để rồi bị tha hoá, lộng hành. Mọi hệ thống trong xã hội muốn phát triển đều phải mở rộng, phải chấp nhận sự giám sát và thách thức sóng gió để trưởng thành vững mạnh, được dân ta tin yêu. Cần phải có một bộ máy giám sát đáng tin cậy, phải thực thi pháp luật và tư pháp chắc tay hơn, công bằng với mọi người dân (điều tra chính xác, công tố rõ ràng, toà án sáng suốt), độc lập và kiềm chế nhau vì mục tiêu chung xây dựng đất nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Cần phải có pháp luật nghiêm minh và công bằng, có sự chế ngự lẫn nhau, giải quyết mọi vấn đề theo khuôn khổ luật pháp, không để bất cứ ai được đứng ngoài hay “ngồi” lên pháp luật.
Một thực tế đáng buồn trong thời gian qua, đó là đa số vụ việc tiêu cực lớn đều đã được khơi ra bằng tai mắt của quần chúng nhân dân và cái tâm, cái trí của một số nhà báo dũng cảm. Chúng ta chưa đầy lùi được bệnh tham nhũng đang lộng hành và ngày càng tinh vi. Hãy lắng nghe bài học thành công của nước láng giềng cận kề: “Mọi việc có thể thành công khi ta tiến hành từ dưới lên trên nhưng chống tham nhũng thì phải làm từ trên xuống”. Không ai quét được rác rưởi từ chân cầu thang lên trên được. Đã đến lúc chúng ta nên coi “cuộc cách mạng chống tham nhũng” ngang hàng với việc chống những kẻ phản bội Đảng, phản bội Tổ quốc Việt Nam.
Đảng ta phải thật sự cải cách mạnh mẽ thể chế chính trị để phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của Đảng như niềm mong đợi của Bác Hồ, người đã dày công rèn luyện Đảng ta. Đảng phải dũng cảm vạch ra những sai phạm, những hành vi đặc quyền đặc lợi, những việc làm vô nguyên tắc, những kẻ xấu mang danh đảng viên đã và đang làm suy yếu Đảng ta. Nhân dân Việt Nam, những con người hiền lành, chất phác, có truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất. Mối quan hệ Đảng và nhân dân là quan hệ máu thịt, không bao giờ được lãng quên…
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng