Đồng chí Quảng Tài, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết: “Nội dung cốt yếu của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là làm sao huy động được toàn lực xã hội, sự tham gia của mọi người dân vào công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Do vậy, ở đâu có sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chặt chẽ, đoàn kết, tạo được lòng tin nơi nhân dân, thì ở đó phong trào được triển khai và thực hiện rất tốt.”
Thôn Văn hóa Phước An 1 (xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước) đi đầu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ảnh Văn Thanh
Để làm được điều này, việc nâng cao ý thức của nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước là rất quan trọng. Thời gian qua, công tác tuyên truyền được tổ chức sâu rộng bằng nhiều hình thức trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống các loại tội phạm, nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng ngừa của từng cá nhân, gia đình và xã hội. Trong đó, tổ nhân dân tự quản giữ vai trò vận động các hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình, khu dân cư, xã, phường lành mạnh, không có tội phạm, trên cơ sở tăng cường công tác tự phòng, tự quản, tự giám sát về an ninh trật tự ở khu dân cư. Không những thế, tổ nhân dân tự quản còn là đầu mối của các nguồn tin tố giác tội phạm, là nơi ghi nhận mọi “động tĩnh” ngay trong quần chúng, nắm rõ tình hình địa bàn, các hộ dân trong phạm vi quản lý của tổ, là cánh tay nối dài của Công an xã, phường tại các khu dân cư. Từ những kết quả đáng ghi nhận mà các tổ này mang lại, việc nhân rộng mô hình bằng những hình thức, phương thức hoạt động phù hợp với mỗi địa phương đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Mới đây, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) xây dựng 36 tổ nhân dân tự quản trong 6 thôn, với 72 thành viên tham gia, do các hộ trong thôn liên kết lại để cùng tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Đây là địa phương tiên phong của huyện nhân rộng mô hình ở cụm dân cư, với sự tham gia của đông đảo các hộ dân.
Huyện Ninh Phước có đến 30% đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, lãnh đạo địa phương và Mặt trận các cấp đã cùng nhau nghiên cứu, vận dụng đặc điểm sinh hoạt theo tộc họ của bà con làm biện pháp tháo gỡ, giải quyết những khó khăn trong huy động người dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trước đây, một số tộc họ đã lồng ghép các nội dung xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ người neo đơn, đau ốm, bệnh tật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,… vào quy ước hoạt động của tộc họ mình, bước đầu mang lại kết quả, góp phần bảo vệ, phát huy truyền thống gia tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thấy tác động quan trọng từ tiếng nói của các tộc họ, Ban chỉ đạo xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa phương đã vận động các trưởng tộc lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ, vận động, giáo dục con em trong dòng tộc không vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng lối xóm bình yên,… vào quy ước tộc họ. Với tộc họ tự quản về an ninh trật tự đầu tiên của cả tỉnh là tộc họ Đổng Dậu, ở thôn Hoài Trung, xã Phước Thái (Ninh Phước), đến nay, toàn huyện có các tộc họ Đất Đỏ, ở thôn Như Bình, xã Phước Thái, tộc họ Cây Lim, ở thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu,… đều là những điển hình tiên tiến trong phong trào.
Ông Trượng Thống, Phó Chủ tịch UBMTTQVN huyện Ninh Phước cho biết: “Toàn huyện có 181 tộc họ, trong đó có 165 tộc họ người Chăm. Chúng tôi đã xây dựng và nhân rộng mô hình này ra 44 tộc họ, cả đồng bào Chăm và Raglai. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, được các cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao, được nhân dân tin tưởng.”
Là địa phương 2 năm liền dẫn đầu trong việc thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh ta, xã Phước Vinh (Ninh Phước) không chỉ đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn mà còn góp một cách làm hay trong vận động quần chúng. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBMTTQVN xã cho biết: “Căn cứ vào đặc điểm tình hình địa phương, với 85% bà con trong xã theo đạo công giáo, chúng tôi chủ động tạo mối quan hệ với các vị chức sắc tôn giáo, lồng ghép vào sinh hoạt tôn giáo các nội dung tuyên truyền về pháp luật, phòng, chống tội phạm. Song song đó, chúng tôi triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể để quản lý từng loại đối tượng. Nhờ vậy, với mỗi vấn đề nảy sinh, chúng tôi đều chung tay giải quyết nhanh chóng, kịp thời”.
Thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW năm 2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, tỉnh ta đã chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có hiệu quả theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự tại cơ sở, là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện thành công chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Bảo Bình