Theo đó, với lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện thi công (xe máy chuyên dùng) được tính như sau: cấp mới kèm theo biển số, tính theo số lần/phương tiện: 200.000 đồng; Cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký kèm theo biển số, tính theo số lần/phương tiện: 200.000đồng; cấp lại hoặc đổi giấy đăng ký không kèm theo biển số, tính theo số lần/phương tiện là 50.000 đồng; cấp giấy đăng ký kèm theo biển số tạm thời, tính theo số lần/phương tiện: 70.000 đồng; đóng lại số khung, số máy, tính theo số lần/phương tiện: 50.000 đồng.
Đối với lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện được tính như sau: Cấp mới giấy phép lái xe cơ giới, tính theo số lần: 30.000 đồng; cấp lại giấy phép lái xe cơ giới, tính theo số lần: 30.000 đồng; cấp giấy phép lái xe cơ giới công nghệ mới (bao gồm cả cấp mới và cấp lại), tính theo số lần: 135.000 đồng.
Thông tư cũng nêu rõ, phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại Thông tư là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước. Do đó, cơ quan thu được trích 65% trên tổng số tiền thu về phí, lệ phí để trang trải chi phí cho việc thu phí, lệ phí (bao gồm cả chi phí thiết bị hệ thống máy chủ và lưu trữ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, chi phí nối mạng tại các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và Tổng cục đường bộ Việt Nam) theo quy định.
Riêng đối với khoản thu từ lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện thi công được trích trên số tiền lệ phí thu được sau khi trừ tiền mua biển số theo giá quy định của Bộ Tài chính trong từng thời điểm. Số tiền còn lại (35%), cơ quan thu thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2012.
Nguồn Báo Hànộimới