Ngộ độc vì uống nhiều nước

Nước tham gia vào quá trình chuyển hóa và điều hòa cơ thể, 70% cơ thể là nước, con người sẽ chết nếu thiếu nước. Nhưng uống quá nhiều nước cũng có thể ngộ độc và tử vong.

Có thể tổn thương não

Theo các nhà khoa học, mỗi ngày mỗi người cần uống 1,5 – 2 lít nước. Nhưng nếu uống nhiều hơn (5 – 6 lít/ngày), thì số lượng bị thải qua hệ bài tiết sẽ quá tải, dẫn đến ngộ độc nước, với triệu chứng nhức đầu, nôn mửa và có thể tử vong. Uống quá nhiều nước cùng một lúc cũng sẽ làm thận không kịp đẩy nước ra ngoài, làm lượng nước trong máu tăng lên quá nhiều gây loãng máu. Đồng thời nồng độ natri trong máu bị sụt giảm xuống dưới mức 135mmol/l (trung bình 135 - 145mmol/l), sẽ gây đau đầu, nôn ọe, đi tiểu nhiều, rối loạn thần kinh… nếu không chữa trị kịp thời có thể tử vong.

 
Ảnh minh họa.

Với trẻ em, thận chưa phát triển hết, nếu uống quá nhiều nước sẽ làm cơ thể thải ra natri cùng với nước thừa. Mất natri sẽ ảnh hưởng tới hoạt động não, gây ra những triệu chứng ngộ độc nước ban đầu như bứt rứt khó chịu, uể oải thẫn thờ và các thay đổi thần kinh khác. Nặng hơn thân nhiệt sẽ hạ thấp (dưới 36 độ C), sưng phù mặt và co giật… Cha mẹ thường chỉ phát hiện và đưa trẻ đi viện khi bệnh đã quá nặng.

Theo BS Duy Anh, Phòng khám BV E Hà Nội, uống nước quá nhiều sẽ quá tải, nước không thải ra kịp sẽ ứ lại trong các tế bào, gây phù mạch, phù tế bào, với các biểu hiện chậm chạp, buồn nôn, đau đầu. Uống quá nhiều nước còn gây phù não bởi các tế bào sẽ bị căng phồng. Chứng phù não gây co giật, hôn mê, ngưng thở, thoát vị thân não, thậm chí tử vong. 

Uống nước đúng cách

Theo BS Lê Thị Kim Quý (Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh), người khỏe mạnh, lao động vừa phải trong thời tiết bình thường cần khoảng 2,5 lít nước/ngày (1 lít nước có trong thức ăn và 1,5 lít nước uống/ngày). Nếu lao động nặng lúc trời nắng, hoặc trong các phân xưởng nóng cần uống nhiều nước hơn để bù cho lượng mồ hôi mất đi và cân bằng nhiệt độ cơ thể.

BS chuyên khoa nhi Thúy Nga, Trung tâm Y tế Quang Hồng (Hà Nội) cho rằng, mức uống khuyến cáo trên 2 lít nước/ ngày là để áng chừng (với người trưởng thành), còn uống nhiều hay ít phụ thuộc vào cơ thể mỗi người. Trẻ dưới 2 tuổi chỉ bú mẹ, ăn sữa, cháo là đủ nước và dinh dưỡng, không nhất thiết phải uống nước bên ngoài. Trên 2 tuổi trở lên trẻ khát thì cho uống theo nhu cầu và ăn thêm canh. “Không nên máy móc bắt trẻ uống cả cốc nước 10ml và một ngày uống hàng chục cốc như thế, bởi trẻ trọng lượng ít, độ lọc cầu thận cũng thấp nên không thể lọc được 2 lít nước/ngày. Sáng ra không nên bắt trẻ uống nhiều nước vì sẽ trôi hết dịch vị tiêu hóa từ dạ dày xuống ruột non, đại tràng khiến thức ăn vào cơ thể sẽ không có dịch tiêu hóa ngay. Chỉ nên ép trẻ uống nước bù điện giải orezon khi trẻ tiêu chảy và bị sốt (cơ thể tăng thêm 10C nhu cầu nước sẽ tăng thêm 12%)”- BS Thúy Nga nói.

Cũng theo BS Thúy Nga, mùa hè nên uống nhiều loại nước giải nhiệt như nước chanh, mơ muối… vì chất muối cung cấp điện giải và vitamin C. Buổi sáng có thể uống ly nước muối nhạt, vừa làm sạch đường ruột và dạ dày, vừa không bị trướng bụng. 8 – 12 giờ sáng nên uống ly nước chanh giúp loại bỏ chất độc hại trong dạ dày, kích thích trao đổi chất, mùi hương dễ chịu của chanh kích thích làm việc hiệu quả.

Rượu bia là những chất lỏng không xếp vào nhóm nước uống, nhưng uống rượu bia quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc nước. Vì vậy, khi cơ thể đã ra nhiều mồ hôi, những khi đang vận động mạnh thì không nên uống nước, rượu, đồ uống khác quá nhiều.

Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn, hoặc uống sữa bột theo công thức. Nếu trẻ ra nhiều mồ hôi, còi xương, đi ngoài, táo bón cho uống thêm 100 – 200 ml nước /ngày, 1-2 thìa cà phê/lần. Trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ, ăn cháo sữa là đủ. Không nên uống nước lọc như đồ uống hằng ngày vì dễ bị ngộ độc nước, khiến trẻ khó chịu, uể oải, thân nhiệt xuống thấp...Nếu thấy trẻ có triệu chứng trên, sớm đưa đi bệnh viện ngay.
(BS Thúy Nga, TT Y tế Quang Hồng, HN)
 Nguồn Giadinh.net.vn