Não nhân tạo - Tại sao không?

Việc tạo ra bộ não sinh học bằng công nghệ gen giống như kiểu tạo ra tim, phổi... từ tế bào gốc là điều khó tưởng tượng! Song, liệu có tạo ra được “não nhân tạo” có thể tăng công năng, tạm thời làm chức năng não, giúp cho chữa bệnh; thậm chí có thể thay thế não kéo dài cuộc sống được không? Đó là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của giới khoa học.

Khát vọng, quan niệm và nguyên lý

Hơn 70 năm trước, các nhà khoa học đưa ra giả thiết về sự tồn tại của một loại vật chất tối chiếm tới 90% trong vũ trụ, song con người chưa nắm bắt được gọi là dạng “vô hình” để phân biệt với dạng vật chất con người đã nắm bắt được gọi là dạng “hữu hình”. Quan niệm truyền thống cho rằng: ý thức là dạng “vô hình” là sản phẩm được sinh ra từ mạng lưới hoạt động của hàng tỉ tế bào não là dạng “hữu hình”. Như thế, khi không tạo ra được tế bào não sinh học thì cũng sẽ không tạo ra được ý thức.

 
Bộ não nhân tạo sẽ sớm trở thành hiện thực. Ảnh: Shutterstoc

 

Ngày nay, quan niệm này đã thay đổi. Sau sự va chạm của hai thiên hà (sự kiện Bullet Cluster) có bằng chứng con người quan sát được vật chất tối nên chúng trở thành dạng “hữu hình”; giữa dạng “hữu hình” và “vô hình” dường như không còn ranh giới! Từ các bằng chứng nghiên cứu dưới dạng nguyên tử mà cụ thể hơn là từ cơ học lượng tử, GS. AStuart Hameroff (Đại học Ariona - Mỹ) và Roger Penrose (Đại học Oxford - Anh) cho rằng: Ý thức là sản phẩm của sự tính toán (hay quá trình) lượng tử. Quá trình này diễn ra ở vi ống, một dạng cấu trúc siêu nhỏ của tế bào não. Về bản chất, ý thức là một dạng thông tin lượng tử. Theo đó, nếu tạo ra một “siêu máy tính lượng tử” cho máy lưu giữ và dùng thông tin lượng tử ấy xử lý các tình huống thì cũng có nghĩa là đã tạo ra “não nhân tạo” mà không cần sự hiện hữu của tế bào não sinh học.

Tiềm năng kỹ thuật hiện nay...

Não có hơn 10 tỉ tế bào giống chiếc piano khổng lồ với hàng triệu tỉ phím, mỗi phím tạo ra một giai điệu. Khi hoạt động, các phím này sẽ phối hợp, tạo ra bản giao hưởng với nhiều thông tin lượng tử. Việc mô phỏng, mô hình hóa các hoạt động của não không hề đơn giản, đòi hỏi lưu trữ một lượng khổng lồ các thông tin lượng tử trong một “siêu máy tính lượng tử” song máy này yêu cầu phải có dung tích cực nhỏ.

 

Thêm nữa, phải làm sao để mỗi lần “siêu máy tính lượng tử” dùng thông tin lượng tử xử lý tình huống thì sẽ không làm mất các thông tin này và vô vàn các thông tin lượng tử lưu trữ khác. Thử thách này là cực lớn. Song với trình độ kỹ thuật hiện nay thì có tiềm năng. Các nhà khoa học kỳ vọng dùng “siêu máy tính lượng tử” hiện có ở Trung tâm Nghiên cứu Julich gần Cologne (Đức) vào mục đích này. Vấn đề còn lại là nghị lực và thời gian!

Cùng với hướng nghiên cứu tạo ra “não nhân tạo”, các chuyên gia Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Cambridge (Mỹ) còn thiết kế một con chip bắt chước cách thức các tế bào thần kinh phản ứng với các tình huống. Có thể dùng các chíp này để mô phỏng các chức năng của tế bào thần kinh. Một con chip như thế sẽ cho phép các bộ phận của thiết bị nhân tạo giao tiếp với não. Chúng đặt nên móng cho việc chế tạo “thiết bị thông minh”.

Dự án “não nhân tạo” đang được đội ngũ các nhà khoa học của 9 nước châu Âu tham gia. Dù không ít tranh luận, nhưng việc tạo ra “não nhân tạo” với chức năng ban đầu tăng công năng cho não là hướng đi đúng. Nhờ vậy dự án nhận được sự đồng tình của các nhà tâm thần kinh học, sự khuyến khích ủng hộ của nhiều người. Theo dự tính, dự án này tiếu tốn không dưới 1,42 tỉ USD trong 10 năm.

Và những bước đi ban đầu

Các nhà khoa học Anh đang chế tạo một “siêu máy tính - não” nhằm thu thập thông tin về toàn bộ quá trình hoạt động của não và phản ánh chúng lên màn hình ở mức tế bào, phân tử. Trưởng nhóm nghiên cứu TS. Henry Markram - Viện Wellcome Trust Sanger (Anh) cho hay: “Với cách tiếp cận mới, có hy vọng khám phá được các vấn đề hoạt động não mà trước đó vẫn được cho là bí ẩn. Nhờ sự trợ giúp của “siêu máy tính - não” sẽ tìm được nguyên nhân gây ra các chứng tàn phá trí óc (như Alzheimer, Parkinson) và hé lộ cơ chế đằng sau khả năng suy nghĩ, đưa ra quyết định ở con người; từ đó cho phép tìm ra cách chống lại các căn bệnh trên”.

Các chuyên gia hãng máy tính IBM cho biết có năng lượng của siêu máy tính dùng để chạy các hệ thống lạnh. Họ đã thành công khi dùng công nghệ lạnh làm cho máy tính Aquasar có kích cỡ bình thường hoạt động suôn sẻ bên cạnh một máy tính có kích cỡ cực nhỏ và phát hiện dùng nước làm nguội “bộ vi xử lý” có hiệu suất cao gấp 4.000 lần so với phương pháp thông thường. Từ đó, thiết kế ra một siêu máy tính có dung tích chỉ nhỏ bằng... viên đường.

Các chuyên gia Đại học Gothenburg (Thụy Điển) viết ra phần mềm cho máy tính. Sau một cuộc trắc nghiệm năng lực trí tuệ, máy tính này đã đạt được chỉ số thông minh IQ=150. Như ta biết, 96% dân số thường có chỉ số IQ 100, chỉ có khoảng 4% dân số thường là bậc vĩ nhân mới có IQ 150. Như thế, máy tính đã có IQ sánh ngang với IQ của các thiên tài nhân loại!

Dù khác nhau về chi tiết song các bước đi ban đầu nói trên đều hướng tới việc tháo gỡ các khó khăn đặt ra trong dự án “não nhân tạo”: Đó là tăng khả năng lưu trữ thông tin lượng tử, giảm dung tích máy, làm cho máy dùng thông tin lượng tử xử lý tình huống một cách thông thái. Nhìn vào bước đi ban đầu này có thể tiên lượng được triển vọng sau này của dự án. Trong khoa học có các dự án táo bạo đến mức lúc mới đưa ra ngỡ như chuyện viễn tưởng nhưng sau đó không lâu đã thành hiện thực, có nhiều ứng dụng trong đời sống. Dự án não nhân tạo cũng thuộc loại này. Ta hãy kiên nhẫn chờ.

Nguồn www.suckhoedoisong.vn