Ninh Sơn: Đào tạo nghề lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm

(NTO) Với chỉ tiêu đào tạo 900 lao động trong năm 2012, tăng gấp 3 lần so với năm trước, trong đó có 650 lao động nông thôn, huyện Ninh Sơn đang tập trung vào công tác đào tạo, gắn với giải quyết việc làm, bước đầu đạt những kết quả khả quan.

Là một huyện miền núi với nền kinh tế nông, lâm nghiệp là chủ yếu, lực lượng lao động nông thôn chiếm số đông, tuy nhiên tay nghề và chuyên môn còn yếu, cộng với tư duy ỷ lại của không ít bạn trẻ khiến cho vấn đề giải quyết việc làm trở thành một bài toán khó tại địa phương. Từ nhìn nhận thực tế trên, các ban, ngành, đoàn thể huyện Ninh Sơn đã cùng “xắn tay” vào công tác đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lực lượng lao động nông thôn.

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sẽ là cơ sở bền vững xây dựng nông thôn mới.
Trong ảnh: Lớp May công nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Sơn.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Sơn đã mở 4 lớp may công nghiệp, với gần 100 học viên tham gia. Trung tâm cũng mở 2 lớp chăn nuôi bò tại 2 xã Ma Nới và Quảng Sơn, với sự tham gia của hơn 70 học viên. Ông Phạm Bá Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Sơn cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ mở thêm các lớp điện lạnh, máy kéo, lái xe hạng B2 và hạng C, chăn nuôi heo rừng, chăm sóc cây ăn quả,… Trung tâm dự định sẽ liên kết với các trường cao đẳng, đại học mở các lớp trung cấp nghề ngay tại địa phương. Chúng tôi luôn quan tâm là làm sao học viên có được việc làm khi hoàn thành khóa học.”

Cẩn thận với từng đường chỉ trên mẫu sản phẩm tạp dề đang học, anh Nguyễn Minh Đức, ở thị trấn Tân Sơn, học viên của lớp May công nghiệp chia sẻ: “Được một người bạn giới thiệu lớp học này, tôi đăng ký học và thấy nghề này cũng rất hay và không quá khó. Tôi hy vọng sau khi hoàn thành khóa học, bản thân có thể tìm được việc làm.”

Cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên lớp May công nghiệp tâm sự: “Đa phần các học viên đến đây đều khá nhiệt tình và ham học hỏi. Được đào tạo miễn phí, ngoài ra còn được hỗ trợ tiền cơm, xăng xe hàng ngày nên các em an tâm đến lớp. Các sản phẩm của các em được chúng tôi chọn lọc, bán cho các cửa hàng, lấy nguồn thu làm quỹ lớp, nên ai cũng phấn khởi.”

Mặc dù thời gian đào tạo chỉ từ 3 - 5 tháng, nhưng việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, tạo điều kiện cho người lao động dễ tìm được việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Một trong những yếu tố góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở Ninh Sơn có nhiều thuận lợi trong thời gian gần đây chính là sự xuất hiện của các doanh nghiệp trên địa bàn. Công ty Dệt may Quảng Phú là một ví dụ điển hình. Với quy mô sản xuất dự kiến cần khoảng 500 lao động, hiện tại, công ty thường xuyên tuyển lao động có tay nghề ngay trong các lớp học của Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Sơn. Đây không chỉ là động lực giúp các em phấn đấu trong học tập mà còn là thành công bước đầu của việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động.

Ông So Y Tòng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ninh Sơn cho biết: “Tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm nay nhìn chung khả quan hơn mọi năm rất nhiều. Có được điều này một phần là nhờ các ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác rà soát đối tượng, khảo sát nhu cầu và tổ chức giảng dạy. Mặt khác, Trung tâm Dạy nghề huyện đã được đầu tư xây mới khang trang hơn trước, trang - thiết bị phục vụ giảng dạy cũng đầy đủ hơn. Điều khó khăn nhất hiện nay là làm sao để lực lượng lao động nông thôn quan tâm đến học nghề, ý thức trong học tập và có việc làm tại địa phương.”

Việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sẽ là cơ sở bền vững xây dựng nông thôn mới. Đây còn là nguồn nhân lực phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững ở huyện Ninh Sơn.