Phun thuốc, muỗi vẫn sống nhởn nhơ
Chị Nguyễn Bích Hòa, Trương Định, Hà Nội cho hay, vào mùa này nhà chị rất nhiều muỗi. Muỗi bay vo vo trong nhà, muỗi đốt người khiến các thành viên gia đình khó chịu. Con gái chị năm nay 3 tuổi nhưng chân đầy vết muỗi đốt. Cháu gãi khiến các nốt này lở thành các vết thương và sẹo trông rất mất thẩm mỹ.
Với muỗi trong nhà nên phun thuốc từ sáng sớm đến 10 giờ.
Để diệt muỗi, trước khi mọi người đi ra khỏi nhà, chị phun thuốc hoặc đốt hương diệt muỗi khắp nhà đều không hiệu quả, chiều về, muỗi vẫn bay vo vo quanh người.
PGS.TS Nguyễn Thúy Hòa, Trưởng khoa Côn trùng và Động vật y học, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho hay, chính sự thiếu hiểu biết cũng như cách làm chưa hợp lý khiến muỗi không chết sau khi phun thuốc. Nguyên nhân chính là do phun thuốc diệt không đúng thời điểm và muỗi bị kháng thuốc.
Theo PGS.TS Thúy Hòa, tùy vào loài muỗi sẽ có các giờ hoạt động khác nhau. Phun đúng thời điểm sẽ khiến số lượng muỗi bị nhiễm độc cao dẫn đến bị tiêu diệt nhiều hơn.
Loài muỗi gây sốt xuất huyết chủ yếu đẻ trứng vào các bể, chum vại, các dụng cụ phế thải chứa nước mưa, nước sinh hoạt. Để phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết việc đầu tiên là diệt bọ gậy, sau đó mới tiến hành phun thuốc diệt muỗi trưởng thành. Loài muỗi sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào những giờ đầu buổi sáng, vì đây là thời điểm muỗi đậu nghỉ qua một đêm nên bị đói. Tiếp theo, các gia đình có thể phun vào thời gian trước lúc mặt trời lặn. Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Thúy Hòa, hiệu quả cao nhất vẫn nên phun thuốc vào buổi sáng.
Tương tự, muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường xuất hiện ở vùng nông thôn là culex tritaeniorhynchus. Loài muỗi này sống ở ngoài nhà là chủ yếu, ban ngày bay ra ruộng lúa để đẻ, ban đêm bay vào các chuồng gia súc và nhà ở để hút máu. Vì thế, cần phun thuốc muỗi vào ban đêm, từ 19 - 22 giờ. Nếu phun vào ban ngày sẽ không diệt được muỗi tức thời vì muỗi đã bay ra ngoài ruộng lúa, còn thời gian tồn lưu của thuốc sẽ rút ngắn đi.
PGS.TS Nguyễn Thúy Hòa cũng hướng dẫn, riêng muỗi trong nhà nên phun thuốc từ sáng sớm đến 10 giờ sáng hoặc lúc chạng vạng tối. Bởi đây là thời điểm muỗi trong nhà hoạt động cao nhất.
Nguy cơ từ thuốc diệt muỗi chứa độc tố cao
TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng T.Ư khuyến cáo, thuốc diệt côn trùng kém chất lượng, hàng trôi nổi có xuất xứ Trung Quốc rất sẵn trên thị trường nước ta. Nếu người dân mua không đúng, dùng bừa bãi có thể làm xảy ra các nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ cao.
Qua khảo sát cho thấy, các loại thuốc này có thành phần trong thuốc không đúng như thành phần ghi trên bao bì. Có những loại sử dụng hóa chất đã bị Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo chỉ sử dụng trong nông nghiệp nhưng vẫn được dùng trong thuốc diệt muỗi, côn trùng... Chính các yếu tố này gây nên tình trạng ngộ độc. "Độc tức thời có thể dễ nhận thấy khi người dùng phun hóa chất này vào các dụng cụ tiếp xúc như chăn gối, màn, quần áo hay các đồ dùng khác...
Khi con người tiếp xúc phải sẽ gây nên dị ứng, hắt hơi, sổ mũi. Nặng hơn là ngộ độc cấp tính như nôn mửa, co giật. Về tính độc hại lâu dài, dù hiện nay chưa được nghiên cứu cụ thể nhưng vẫn khuyến cáo có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Để mua thuốc cần mua tại các điểm uy tín như tại Viện vệ sinh dịch tễ... Sản phẩm có tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn, được phép sử dụng...", TS Vũ Đức Chính phân tích.
Hiện sử dụng thuốc diệt muỗi nhiều khiến tình trạng muỗi kháng thuốc cao, khó tiêu diệt. Để kiểm tra muỗi kháng thuốc cần báo với các trung tâm y tế dự phòng để thử độ nhạy cảm của muỗi, thay thuốc hoặc tăng nồng độ. Đối với các hộ gia đình, tốt nhất nên làm dịch vụ phun thuốc muỗi với các cơ quan chuyên môn để có hiểu quả cao nhất cũng như tránh nguy cơ cho sức khỏe các thành viên trong gia đình. Tự phun thuốc muỗi sẽ diễn ra nhiều khiếm khuyết, vì thế cần hạn chế.
Nguồn Báo Hànộimới