Đây là nhận định của đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về giảm nhẹ thiên tai, bà Margareta Wahlstrom nhân chuyến thăm gần đây tới Việt Nam. Đại diện của LHQ cũng nhấn mạnh, giảm nhẹ thiên tai là công tác có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Lũ lụt ở miền Trung Việt Nam. Ảnh: Internet
Theo đánh giá của LHQ, lũ lụt chiếm tới một nửa số thảm họa thiên nhiên mà thế giới phải hứng chịu trong 30 năm trở lại đây. Việt Nam nằm trong số những quốc gia chịu nhiều tác động rủi ro từ thiên tai, nhưng trên bản đồ giảm nhẹ thiên tai của thế giới, Việt Nam có một vị trí cao.
“Việt Nam là nước có kinh nghiệm đã được tích lũy qua nhiều năm đối phó với thiên tai, đặc biệt là công tác phòng chống lụt bão, với cơ sở hạ tầng quan trọng là hệ thống đê điều và thủy lợi được xây dựng khắp các địa phương, giúp các bạn đối phó hiệu quả hơn khi thiên tai xảy ra”, bà Margareta Wahlstrom, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về giảm nhẹ thiên tai nhấn mạnh.
Trong bối cảnh công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai hiện nay liên quan chặt chẽ đến tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng trên toàn cầu, LHQ đánh giá cao việc Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và coi đây là nỗ lực rất có ý nghĩa tạo cơ hội lồng ghép vấn đề quản lý rủi ro thiên tai với thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ cấp trung ương tới địa phương, đồng thời khuyến khích được sự tham gia của cả cộng đồng.
Bà Margareta Wahlstrom đánh giá: “Biến đổi khí hậu có liên quan chặt chẽ đến thiên tai. Đối với những nước như Việt Nam, khí hậu chính là thời tiết. Tại Việt Nam, 95% thảm họa thiên nhiên là do thời tiết, thời tiết bất thường dẫn đến các hiện tượng thiếu nước, thừa nước, hạn hán, cháy rừng, lở đất. Điều quan trọng là chính sách của chính phủ dự đoán được rủi ro trong những thập kỷ tới bởi cơ chế đối phó thiên tai ngày nay có thể sẽ không phù hợp trong tương lai. Việc kịp thời có được Chiến lược quốc gia giúp các bạn có tầm nhìn dài hạn trong việc đối phó với thách thức toàn cầu về BĐKH”.
LHQ cũng cảnh báo, rủi ro thiên tai không phải là vấn đề của thiên nhiên, mà đây là vấn đề của chính con người. Vì vậy, các mô hình giảm nhẹ thiên tai trong tương lai cần tính đến các yếu tố vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển.
Dự kiến, giảm nhẹ thiên tai sẽ là một trong những trụ cột chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị LHQ về phát triển bền vững tại Rio de Janeiro (Brazil) vào tháng 6 tới. Thông điệp của LHQ là thế giới không thể đạt được sự phát triển bền vững nếu không có sự quan tâm thích đáng đến vấn đề giảm nhẹ thiên tai trên con đường phát triển của mỗi quốc gia.
Nguồn VTV.VN