Kiên trì với mục tiêu
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 36 trường ĐCQG, trong đó mầm non 2/89 trường, bằng 2,2%; phổ thông 34/228 trường, bằng 14,91%. Trong đó: cấp tiểu học có nhiều trường đạt chuẩn nhất (28/147 trường, đạt 19,04%), cấp THCS (5/63 trường, đạt 7,93%) và THPT (1/18 trường, đạt 5,56%). Địa phương có nhiều trường ĐCQG nhất là Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 14 trường (kể cả Trường THPT Chu Văn An).
Trường Tiểu học Hộ Diêm (Hộ Hải, Ninh Hải) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2009.
Trong ảnh: Học sinh biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày Truyền thống của trường - ngày 15-10-2011.
Ảnh:Sơn Ngọc
Những trường được công nhận ĐCQG trong thời gian qua đều khẳng định được chất lượng giáo dục, luôn là lá cờ đầu trong các mặt công tác của ngành. Qua đánh giá, tỷ lệ học sinh bỏ học tại các trường THCS và THPT được công nhận ĐCQG đều ở mức dưới 1%, tỷ lệ này ở cấp tiểu học là 0,4%; học sinh lưu ban các trường THCS và THPT dưới 5%, tỷ lệ này ở tiểu học là 0,2%; số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đều trên 98%; tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt luôn cao hơn các trường khác với mức trên 92%, hầu như không có học sinh bị xếp loại hạnh kiểm yếu. Ngoài nhiệm vụ đào tạo chính khoá, các trường còn được giao công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trên địa bàn xã, phường.
Đa số các trường học ở thành phố đều có diện tích đất bình quân khoảng 5-6 m2/HS và các vùng khác trong khoảng 9-12m2/HS; 100% các trường tiểu học đạt chuẩn đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày, tất cả các trường đều tổ chức cho lớp học một ca; các trường THCS và THPT được đầu tư các phòng học bộ môn, khu văn phòng, phòng thiết bị, có khu vệ sinh riêng cho học sinh…
Trường Tiểu học Phước Kháng (Thuận Bắc) đạt chuẩn quốc gia trong năm 2012.
Ảnh: Văn Miên
Có thể nói, trường học ĐCQG cũng chính là uy tín của trường, của địa phương với phụ huynh HS và xã hội. Do đó, nhận thức của các cấp trong xây dựng trường chuẩn khá tốt và đang tạo ra khí thế thi đua giữa các địa phương và các nhà trường. Đã có nhiều địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, hỗ trợ các nhà trường trong xây dựng trường chuẩn. Điển hình như: Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải, Ninh Sơn…
Tuy nhiêu, trong quá trình xây dựng trường ĐCQG cũng đã lộ rõ những hạn chế, tồn tại như: Công tác tuyên truyền về xây dựng trường ĐCQG chưa được tổ chức thường xuyên và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa ngành GD&ĐT với các ngành và các địa phương. Nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở còn ở mức độ, nên thiếu sự chỉ đạo; có nơi chưa gắn nhiệm vụ phát triển GD&ĐT trên địa bàn thành nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH của địa phương. Ngân sách để đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia còn hạn chế. Công tác xã hội hoá chưa được nhiều người dân hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất theo Thông tư số 06 ngày 26-02-2010 của Bộ GD&ĐT (Ban hành Quy chế công nhận trường THCS, THPT có nhiều cấp học ĐCQG) yêu cầu cao hơn cả về chất lượng giáo dục và cơ sở vật chất so với tiêu chuẩn cũ nên khó thực hiện.
Cần một chiến lược dài hơi
Mục tiêu của việc xây dựng trường ĐCQG là nhằm chuẩn hoá cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả của người quản lý, của người dạy và người học và thể hiện trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc huy động các nguồn lực cùng tham gia phát triển GD&ĐT. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2012-2015, phấn đấu có thêm 61 trường ĐCQG, trong đó có 14 trường mầm non và 47 trường các cấp học phổ thông.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trước hết ngành GD&ĐT phải là lực lượng nòng cốt trong quá trình tổ chức thực hiện. Cơ quan quản lý giáo dục và mỗi nhà trường cần làm tốt công tác tuyên truyền để toàn xã hội hiểu rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng trường chuẩn. Cần xác định rõ xây dựng trường ĐCQG vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; coi xây dựng trường học ĐCQG là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của mỗi địa phương. Phối hợp với các ngành, huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội để tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn. Tiếp tục thực hiện tốt 3 cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; đồng thời, triển khai sâu rộng trong các trường học phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Song song, cần đẩy nhanh việc phân cấp quản lý giáo dục theo đúng Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các các cấp ủy, chính quyền cần xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; Nghị quyết đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; coi đó là nhiệm vụ trọng tâm về phát triển KT-XH của địa phương để các cơ quan liên quan thực hiện. Cần có cơ chế đặc thù đối với những địa phương có kế hoạch xây dựng trường ĐCQG. Quy hoạch mạng lưới các trường, lớp giai đoạn 2011-2020 từ cấp học mầm non đến đại học. Hàng năm, UBND tỉnh, huyện, thành phố cần bố trí một khoản ngân sách dành riêng cho nhiệm vụ xây dựng trường ĐCQG.
Công tác xây dựng trường ĐCQG tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với những giải pháp đồng bộ và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội, tin rằng số lượng và chất lượng trường ĐCQG của tỉnh ta sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Hồng Liêu, Giám đốc Sở GD&ĐT:Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) khẳng định: GD&ĐT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Xây dựng trường học ĐCQG là bộ phận cấu thành và điều kiện quan trọng để phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Vì vậy, đây là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, không riêng của ngành Giáo dục. Sẽ không thể thành công trong công tác xây dựng trường chuẩn nếu không nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự ủng hộ và tham gia tích cực của tổ chức đoàn thể, các ngành và nhân dân trên địa bàn. Về phía ngành Giáo dục, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức điều hành, cải tiến đổi mới phương pháp quản lý giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong các nhà trường. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính độc lập sáng tạo của học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy. Coi trọng công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức và rèn kỹ năng sống cho học sinh; giữ vững kỷ cương nền nếp trong mọi hoạt động giáo dục của nhà trường; phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục toàn diện cho học sinh.
Đồng chí Nguyễn Thế Quang, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thuận Bắc:Công tác xây dựng trường ĐCQG luôn được các cấp lãnh đạo huyện Thuận Bắc quan tâm và được cụ thể hóa thành những Nghị quyết, chỉ tiêu thực hiện hàng năm. Nhờ đó, việc xây dựng trường ĐCQG trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn huyện hiện có 3 trường tiểu học và 2 trường THCS đã được công nhận là trường ĐCQG. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch hợp lý, phòng học từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố, các công trình phụ trợ và thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư và cơ bản đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp học được quan tâm bổ sung hàng năm kể cả về số lượng và chất lượng.
Giai đoạn 2012-2015, huyện Thuận Bắc xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường ĐCQG trở thành một phong trào rộng khắp ở tất cả các địa phương, để mỗi trường học tự khẳng định vị trí của mình trong công tác giáo dục, đào tạo, tạo được niềm tin cho xã hội, là nơi đáng tin cậy để phụ huynh chọn thầy và chọn trường cho con em mình.
Đồng chí Lê Văn Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (xã Quảng Sơn, Ninh Sơn):Trường THCS Quang Trung chúng tôi luôn coi việc xây dựng trường ĐCQG là một mục tiêu vô cùng quan trọng. Bởi, xây dựng trường ĐCQG cũng chính là hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Được thành lập năm 2005, với rất nhiều khó khăn thiếu thốn, nhà trường vẫn đẩy mạnh chất lượng giáo dục và công tác xây dựng nhà trường lên hàng đầu. Nhà trường họp bàn với Hội Cha mẹ học sinh để đánh giá hiện trạng của trường và thống nhất mục tiêu phấn đấu, vạch rõ từng mốc thời gian hoàn thành và lên đề án, kế hoạch để xây dựng trường ĐCQG. Với mục tiêu, đề án, giải pháp cụ thể, cùng với sự đồng lòng, chung tay của nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương, chỉ sau hơn 3 năm kể từ ngày thành lập Trường THCS Quang Trung đã được công nhận là trường ĐCQG vào năm 2008.
Xuân Bính - Bích Thủy - Nhóm PV