Chỉ thị tăng cường phòng phòng, chống HIV/AIDS

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS; trong đó các địa phương cần tăng cường năng lực cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

Trong những năm qua, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuy nhiên, một số Bộ, ngành và địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ tác hại của đại dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, việc tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát phòng, chống HIV/AIDS chưa được quan tâm đúng mức.

Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị yêu cầu Bộ Y tế chủ trì tổ chức đánh giá việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS và đề xuất kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm tác hại, trong đó chú trọng triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Bộ Y tế chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 để hướng tới mục tiêu 3 không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS ở Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS bao gồm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận với các thuốc kháng HIV (ARV) nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ ốm và tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho vay vốn, tạo việc làm với người HIV

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc sử dụng kinh phí để tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xây dựng bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người nhiễm HIV.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho vay vốn, tổ chức tạo việc làm đối với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Đảm bảo trẻ em nhiễm HIV/AIDS được đến trường học

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chú trọng lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách bảo đảm cho trẻ em nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đến trường học.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế đẩy mạnh và mở rộng việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh đối với người bệnh nhiễm HIV/AIDS thông qua hệ thống bảo hiểm y tế.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả của phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư"; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp mở rộng phong trào này ở địa phương, đồng thời gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư"...

Nguồn www.chinhphu.vn