Ngăn chặn bạo lực học đường, cần sự vào cuộc của toàn xã hội

(NTO) Vấn đề bạo lực học đường ở tỉnh ta chưa đến mức báo động. Nói như vậy không có nghĩa là tình trạng bạo lực học đường ở địa phương không được quan tâm.

Nguyên nhân

Nổi cộm là vụ việc xảy ra vào ngày 6-2- 2012. Em Vương Văn Linh, Trường THCS Trần Phú bị một số em ở Trường THCS Lê Hồng Phong ném đá khi đi trên đường dẫn đến tử vong, khiến dư luận quan tâm, gây tâm lý hoang mang cho các bậc phụ huynh. Từ vụ việc trên, có thể cho thấy, nguyên nhân gây ra những vụ đánh nhau ở các em là hết sức đơn giản. Đôi khi đó chỉ là cái nhìn không “thiện cảm”, đánh vì bênh bạn, vì những mâu thuẫn nhỏ…

Vào những giờ tan học, trong những quán internet gần trường, không khó để bắt gặp những em mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ đang dán mắt vào màn hình chơi game. Một học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Phước Nam, Thuận Nam) ngây thơ nói: “Được nghỉ sớm, về cũng không biết làm gì, con vào đây chơi game một tí, đến trưa chạy về nhà”. Một số hàng quán buôn bán, kinh doanh xuất hiện nhiều trước cổng trường cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em bỏ học, la cà hàng giờ và có những hành vi không tốt. Đây là vấn đề khó khăn của nhà trường trong việc giáo dục các em.

Theo đồng chí Nguyễn Hồng Liêu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thì “Tình trạng bạo lực học đường ở tỉnh ta không nhiều. Chủ yếu là các em có mâu thuẫn nhỏ, lời qua tiếng lại chứ chưa có đến mức đánh nhau theo băng nhóm, quay clip tung lên mạng… Việc đánh nhau chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT, nhất là các em học sinh lớp 8. Vì đây là lứa tuổi rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi những nhân tố bên ngoài nên tâm lý thường hay thay đổi thất thường “sớm nắng, chiều mưa”, các em thường muốn khẳng định mình”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có 81 trường THCS và THPT, với hơn 56 ngàn học sinh theo học. Nhà trường chỉ quán lý các em trong giờ học, các em chỉ có 4-5 giờ ở trường, thời gian còn lại các em ở nhà, tiếp xúc ở ngoài xã hội nên các thầy, cô giáo khó theo dõi. Các hành vi đánh nhau, gây gổ của các em đều xảy ra bên ngoài trường học nên rất khó kiểm soát.

Những giải pháp

Đầu năm, các trường đều tổ chức cho các em học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật; phối hợp với các lực lượng công an địa phương tổ chức tuyên truyền pháp luật cho các em. Song song đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về pháp luật: Tuổi trẻ nói không với hành vi bạo lực học đường, tuổi trẻ học đường với an toàn giao thông đường bộ…Phát động các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… khuyến khích tăng cường các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em học sinh đoàn kết hơn.

Ông Nguyễn Kinh Dinh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Tp. Phan Rang – Tháp Chàm cho biết: “Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong các đơn vị trường học và được các trường ủng hộ rất nhiệt tình. Thông qua hội nghị, các trường đã mạnh dạn đưa ra những biện pháp, cũng như kinh nghiệm để các trường bạn học hỏi. Sau hội nghị, hiệu quả mang lại rất rõ ràng”.

Cùng với những giải pháp chung của ngành Giáo dục đưa ra, mỗi trường sẽ có những cách làm khác nhau, nhằm phổ biến giáo dục pháp luật. Riêng thầy và trò Trường THCS Trần Phú (Phan Rang-Tháp Chàm) vào mỗi buổi sáng thứ hai chào cờ đầu tuần, nhà trường luôn nhắc nhở học sinh theo dõi chương trình “An ninh Ninh Thuận”. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú chia sẻ: “Đây cũng là một cách làm để từ đó giúp các em tiếp cận một cách sinh động nhất với pháp luật.”

Để hạn chế tình trạng này, một trong những giải pháp mà Trường THPT Tôn Đức Thắng đưa ra là thắt chặt kỷ cương, kỷ luật với các em vi phạm. Cùng với đó, báo với công an địa phương nắm rõ những “học sinh cá biệt” để theo dõi. Xem các em học sinh là “kênh thông tin” đáng tin cậy, các em kịp thời thông báo để nhà trường có biện pháp can ngăn từ đầu. Nhờ vậy, trong năm qua, tại trường không có trường hợp gây sự đánh nhau.

Đồng chí Nguyễn Hồng Liêu cho biết thêm: “Để quản lý các em được tốt hơn, các trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh bằng việc thông báo kịp thời tình hình học tập, hạnh kiểm của các em để cha mẹ nắm rõ, từ đó có biện pháp phối hợp giáo dục phù hợp. Mỗi trường cần có giải pháp cụ thể: quy rõ trách nhiệm về ai. Đối với học sinh vi phạm, cần phạt nghiêm khắc để các em không tái phạm. Các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cũng cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn, không nên chỉ trông chờ vào nhà trường; gia đình cần quan tâm tiếp xúc, chia sẻ nhiều với con trẻ”.