Hội nghị thượng đỉnh G-8 ra tuyên bố chung về các vấn đề quốc tế

Sau hai ngày họp tại Trại Đâyvít (David) thuộc bang Merilen (Maryland) của Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G-8)- gồm Anh, Canađa, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga và Mỹ, đã bế mạc ngày 19-5 với tuyên bố chung đề cập tới một loạt vấn đề.

Các nhà lãnh đạo G-8 đã nhất trí giúp Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng để tiếp tục ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đồng thời cam kết cùng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng rối loạn về tài chính và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Đây là giải pháp dung hòa và vẫn tồn tại một số khác biệt giữa hai luồng quan điểm, là tăng đầu tư để thúc đẩy kinh tế phát triển, do Tổng thống nước chủ nhà Barắc Ôbama (Barack Obama) đề xuất, và chủ trương cắt giảm mạnh chi tiêu để có tiền trả nợ, do Thủ tướng Đức Angiêla Mácken (Angela Merkel) chủ xướng đối với châu Âu.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama đã kêu gọi các nước châu Âu noi gương Mỹ để có những biện pháp theo hướng thúc đẩy kinh tế phát triển, cho rằng phát triển và tạo công ăn việc làm phải là "ưu tiên hàng đầu". Nhằm giảm nhẹ các bất đồng, Thủ tướng Đức Angiêla Mácken khẳng định ổn định tài chính và phát triển là không thể tách rời nhau và không nên đặt chúng vào thế tương phản nhau. Các nguyên thủ G-8 cũng nhất trí cùng nhau theo dõi sát thị trường dầu lửa để sẵn sàng tăng nguồn cung, nếu cần. Chủ tịch Liên minh châu Âu Hécman Van Rômpơi (Herman Van Rompuy) khẳng định sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo đảm sự ổn định về tài chính của Eurozone.

Liên quan đến vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, các nhà lãnh đạo G-8 khẳng định Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) cần có hành động đáp lại "những động thái được coi là khiêu khích" của CHDCND Triều Tiên gây phương hại cho ổn định khu vực, như các vụ phóng vệ tinh và thử hạt nhân. Về tình hình Iran, tuyên bố chung nhấn mạnh tới việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán nhằm giải tỏa những quan ngại xung quanh chương trình hạt nhân của Têhêran (Tehran). Các nhà lãnh đạo hối thúc Iran nắm bắt cơ hội để chứng tỏ chương trình hạt nhân vì hòa bình tại cuộc đàm phán với Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên HĐBA và Đức) ở Bátđa (Baghdad, Irắc) vào ngày 23-5 tới.

Về Mianma, tuyên bố của hội nghị hoan nghênh "những nỗ lực đáng kể" của Tổng thống U Thên Xên (U Thein Sein) và thủ lĩnh đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung Xan Xu Ki (Aung San Suu Kyi) cải cách dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời cam kết ủng hộ những sáng kiến tại Mianma, đặc biệt là các sáng kiến tập trung vào hòa bình, hòa giải dân tộc và củng cố nền dân chủ.

Tuyên bố cũng kêu gọi Chính phủ Xyri và các phe phái tại quốc gia Trung Đông này lập tức thực thi đầy đủ kế hoạch hòa bình sáu điểm của Đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn Arập Côphi Annan (Kofi Annan). Các nhà lãnh đạo hối thúc Xyri chấm dứt mọi hình thức bạo lực, mở đường cho một quá trình chuyển giao chính trị toàn diện do chính người Xyri đứng đầu.

Sau hội nghị tại Trại Đâyvít, phần lớn các nhà lãnh đạo G-8 tới thành phố Chicagô (Chicago), bang Ilinoi (Illinois) để tham dự hội nghị thượng đỉnh khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hai ngày 20-21/5 với sự tham gia của đại diện 62 nước, trong đó có nguyên thủ 28 nước thành viên NATO. An ninh đã được tăng cường tới mức tối đa để bảo đảm cho hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra suôn sẻ.

Theo TTXVN