Thế giới lo ngại nguy cơ Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng ơrô

Ngày 17-5, lãnh đạo một số nước và định chế tài chính quốc tế đã tỏ ý lo ngại nguy cơ Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng ơrô sau khi nước này trước đó một ngày tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai trong vòng chưa đầy 2 tuần, một sự kiện được đánh giá có thể mang lại chiến thắng cho Liên minh các lực lượng cực tả Syriza, vốn phản đối những cải cách mà Athens buộc phải thực hiện để nhận được cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Phát biểu trên đài truyền hình Hà Lan, Tổng Giám đốc IMF Crítxtin Lagácđơ (Christine Lagarde) cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị ở Hy Lạp cần tỏ rõ quyết tâm muốn nước này tiếp tục ở lại Khu vực đồng ơrô (Eurozone) bằng cách tuân thủ các điều kiện nhận cứu trợ. Bà nhấn mạnh việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone sẽ gây tổn thất nặng nề về tài chính và tác động xấu đến nhiều nước khác.

Trong buổi chất vấn tại Câu lạc bộ Kinh tế Oasinhtơn (Mỹ), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Rôbớt Dôlích (Robert Zoellick) nhận định cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng ơrô hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu Hy Lạp rút khỏi Eurozone, quyết định này sẽ có tác động tàn phá, tạo hiệu ứng "đôminô" ở Tây Ban Nha và Italia, giống như vụ ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ gây khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo ông Dôlích, các nhà lãnh đạo châu Âu cần tìm cách ngăn chặn nguy cơ này, hỗ trợ Tây Ban Nha và Italia thực hiện những cải cách khó khăn thông qua việc phát hành trái phiếu chung của châu Âu, huy động các nguồn lực từ Ngân hàng đầu tư châu Âu và một số thể chế khác.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, người đứng đầu Chính phủ nước này Đavít Camơrôn (David Cameron) nhắc lại lập trường kêu gọi lãnh đạo Khu vực đồng ơrô hành động kiên quyết để bảo vệ đồng tiền chung châu Âu trước nguy cơ tan rã vì cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp. Theo ông Camơrôn, châu Âu cần có một khu vực đồng tiền chung vững vàng, ổn định và thành công với một "bức tường lửa" - cơ chế cứu trợ vỡ nợ - hiệu quả, các ngân hàng được cấp vốn và điều phối tốt, một hệ thống chia sẻ gánh nặng tài chính và một chính sách tiền tệ mang tính chất hỗ trợ. Ngược lại, châu Âu sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Giôdê Manuen Barôxô (Jose Manuel Barroso) trước đó một ngày khẳng định các nhà lãnh đạo châu Âu muốn Hy Lạp ở lại Khu vực đồng ơrô, song các nước thành viên khác trong khu vực không đồng ý thay đổi thỏa thuận cứu trợ. Ông nhấn mạnh quyết định cuối cùng thuộc về phía Hy Lạp.

Tình hình tại Hy Lạp hiện được giới quan sát nhận định là "rất nguy hiểm". Có tin nói khoảng 700 triệu ơrô (890 triệu USD) đã được rút khỏi các ngân hàng nước này trong vài ngày qua, do các nhà đầu tư lo ngại việc Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng ơrô có thể gây "hoảng loạn". Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân "Xứ sở thần thoại" muốn ở lại Eurozone, song không sẵn sàng chấp nhận các kế hoạch cắt giảm chi tiêu từng dẫn đến các cuộc đình công và biểu tình gây bạo lực.

Một quan chức cao cấp Chính phủ Hy Lạp yêu cầu giấu tên cho biết mặc dù Chủ tịch Hội đồng nhà nước Hy Lạp Panagiôtít Picrammênốt (Panagiotis Pikrammenos) đã được chỉ định làm thủ tướng lâm thời, song nhà lãnh đạo này sẽ không có quyền đưa ra bất kỳ quyết định chính trị nào ngoài việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn thứ hai, dự kiến vào ngày 17-6 tới.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo ngừng các hoạt động luân chuyển vốn cho các ngân hàng Hy Lạp. Các nhà hoạch định chính sách EU và IMF cũng tuyên bố không giải ngân thêm bất kỳ phần cứu trợ nào trong gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp nếu nước này tiếp tục đi trệch khỏi tiến trình cải cách.

Theo TTXVN