(NTO) Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, mùa khô năm nay ở khu vực tỉnh ta sẽ kết thúc vào tháng 8, với đặc điểm lượng mưa phổ biến thấp nên nắng hạn có thể ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ hè- thu. Tuy nhiên những cơn mưa từ cuối tháng 3 đến nay đã bổ sung thêm nguồn nước các hồ đập, nhưng nhìn chung việc tiết kiệm nước tưới vẫn là vấn đề quan tâm hàng đầu.
Nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam) làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè - thu.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ dân sinh, nước uống cho gia súc, đồng thời bố trí, điều tiết nguồn nước tưới tập trung cho những vùng sản xuất vụ hè -thu năm nay có hiệu quả cao nhất và không bị thiếu hụt nguồn nước tưới vào cuối vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp. Nếu từ đây đến tháng 6 có mưa, căn cứ lượng nước tích tại các hồ đập sẽ tiếp tục bố trí sản xuất kịp thời. Trước mắt theo kế hoạch sản xuất vụ hè- thu, dự kiến tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh 22.293 ha, tập trung một số cây trồng chính như: lúa (11.800 ha), bắp (4.617 ha), cây thực phẩm (4.022 ha), cây công nghiệp ngắn ngày (657 ha), cỏ chăn nuôi (465 ha) và cây trồng khác (234 ha). Riêng vùng tưới hệ thống hồ Tân Giang sẽ bố trí gieo trồng 462 ha tại các xã Phước Hà và Nhị Hà (Thuận Nam), số diện tích còn lại của thôn La Chử, Hậu Sanh (Phước Hữu) và thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) không được xuống giống vụ hè- thu. Đối với huyện Thuận Bắc, hệ thống kênh Bắc vẫn tổ chức gieo trồng đúng diện tích 500 ha và tiếp tục điều tiết nước cho 523 ha lúa gieo trồng muộn vụ đông- xuân chuyển sang. Còn khu vực tưới hồ Thành Sơn (Ninh Hải) do lượng nước không bảo đảm phục vụ sản xuất sẽ khuyến cáo ngừng xuống giống, dành nước dự trữ cho sinh hoạt và chăn nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, kế hoạch sản xuất vụ hè- thu có thay đổi chút ít nhưng cơ bản diện tích tưới thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh-Lâm Cấm vẫn theo dự kiến”. Theo kế hoạch điều chỉnh trên, do lượng nước hồ Tân Giang vẫn tích được 7 triệu m3 nước (tức trên 50% dung tích chứa của hồ), thêm vào đó còn có nguồn nước tưới bổ sung của các hồ Bàu Zon, Tà Ranh, nên diện tích gieo cấy lúa khu vực tưới này sẽ tăng lên 900 ha. Riêng đề nghị của huyện Ninh Hải cho gieo cấy hết 150 ha lúa ở khu vực tưới hồ Thành Sơn, theo chỉ đạo của UBND tỉnh trước mắt nước hồ này ưu tiên phục vụ sinh hoạt dân sinh và cho chăn nuôi, chờ khi tích đủ nước sẽ cho xuống giống toàn bộ sau. Như vậy sau khi tăng thêm diện tích gieo cấy khu vực tưới hồ Tân Giang, diện tích lúa vụ hè- thu sẽ đạt gần 12.300 ha.
Bên cạnh việc điều tiết nước tưới, vấn đề đáng quan tâm là giải pháp thời vụ và cơ cấu giống cây trồng cho vụ sản xuất hè- thu. Ông Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT lưu ý: “Tại các vùng sản xuất lúa giống không được tổ chức gieo trồng sớm hơn lịch khuyến cáo; các vùng khác không sử dụng bộ giống lúa bị nhiễm rầy, phải loại bỏ bộ giống không được khuyến khích gieo trồng”. Theo lịch thời vụ, để tránh rầy nâu hiệu quả, lúa sẽ gieo thành 2 đợt chính: Đợt 1 từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 5 và đợt 2 từ giữa tháng 5 đến ngày 5-6. Riêng hệ thống tưới kênh chính Nam, do đóng nước để cải tạo, nâng cấp đoạn đầu và đoạn cuối kênh, nên sẽ xuống giống chậm hơn, thời gian gieo trồng sẽ diễn ra từ đầu tháng đến cuối tháng 6. Về cơ cấu giống, theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT, đối với cây lúa phải sử dụng giống kháng hoặc ít bị nhiễm rầy nâu, vàng lùn-lùn xoắn lá, giống ngắn ngày, dễ chăm sóc, năng suất cao, chất lượng tốt. Các huyện, thành phố nên theo thứ tự ưu tiên cơ cấu giống đã hướng dẫn cụ thể, sử dụng các giống lúa hạt dài (VNĐ 95-20, IR 64, OM 4498, OM 3536, OM 2031, OM 4900, OMCS 4498, VNĐ 99-3), hạt tròn (ML 202, TH 41, ML 15). Đối với cây bắp, Sở NN&PTNT hướng dẫn sử dụng các giống bắp lai SSC 586, NK 66, LVN 10, VN 8960, G 49, Cargill 919, Bioseed 96-98, riêng vùng miền núi có thể thêm bắp nếp địa phương. Các loại cây còn lại như giống bông chú ý dùng giống lai kháng sâu; mía dùng các giống chủ lực có năng suất, chịu hạn, chữ đường cao; khoai mì vẫn là giống KM 94, KM 98 và cỏ chăn nuôi chủ yếu là cỏ voi, ngoài ra có các giống cỏ chịu hạn khác.
Trong vụ hè- thu, do thời tiết còn diễn biến thất thường, việc tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng ít nước là vấn đề đáng quan tâm của các địa phương và ngành chức năng. Vì vậy điều cần thiết hiện nay là phải nhân rộng mô hình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; tưới tiết kiệm trên các cây nho, rau, màu và đậu các loại trên địa bàn toàn tỉnh.
Bạch Thương