Trên cây lúa thường có các loại sâu bệnh, gồm: Bọ trĩ (gây hại mạnh giai đoạn lúa còn non, ở những ruộng thiếu nước); rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, sâu đục thân (có khả năng xuất hiện ngay từ đầu vụ và gây hại cao điểm vào tháng 7, đầu tháng 8; riêng kênh chính Nam do thời vụ gieo muộn hơn nên có khả năng sẽ xuất hiện và gây hại vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 ứng với giai đoạn lúa làm đòng-trổ); sâu cuốn lá nhỏ (thường gây hại trên những ruộng lúa xanh tốt, bón nhiều phân đạm, nơi khuất gió); bệnh đạo ôn (có khả năng xuất hiện gây hại nhiều vào tháng 8, nhất là ở những ruộng gieo dày, bón phân không cân đối, thừa phân đạm); bệnh lem lép hạt (thường gây hại vào giai đoạn lúa trổ đến ngậm sữa).
Nông dân xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) chăm sóc vụ lúa hè thu 2012. Ảnh: Văn Miên
Ngoài ra, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, có khả năng xảy ra khô hạn ở những vùng tưới bấp bênh, gò cao và cuối kênh, cần theo dõi chuột, ốc bươu vàng gây hại cục bộ.
Để chủ động phòng, chống sâu bệnh hại, bảo vệ tốt cây lúa vụ hè- thu 2012, cần lưu ý một số điểm sau:
1. Vệ sinh đồng ruộng: Cày ải, cày vùi gốc rạ, trục kỹ trước khi gieo sạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, không để lúa chét, đảm bảo thời gian giãn cách 2 vụ lúa ít nhất 3 tuần.
2. Thực hiện nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó cần lưu ý:
- Gieo sạ tập trung, đồng loạt từng vùng, khu vực; không gieo trước ngày 5-5 và sau ngày 5-6-2012. Riêng hệ thống kênh chính Nam tập trung gieo dứt điểm trong tháng 6-2012.
- Sử dụng các loại giống xác nhận, có khả năng kháng rầy như ML 202, TH41 phục tráng, OM 4900,…đặc biệt, hạn chế tối đa việc sử dụng lúa thịt làm giống gieo. Đồng thời mật độ gieo nên vừa phải (150-180 kg/ha, không quá 200kg/ha) để vừa tiết kiệm giống, phân bón, thuốc BVTV vừa giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu được sâu bệnh, cho năng suất cao.
3. Áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình “ba giảm, ba tăng” kết hợp với biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; “Quản lý giống cây trồng tổng hợp trong thâm canh cây lúa (RICM)”; “1 phải, 5 giảm”, để góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.
4. Sử dụng các loại thuốc hóa học phải hợp lý và theo phương pháp “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời gian) theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc hóa học tạo điều kiện cho sâu bệnh kháng thuốc sẽ có điều kiện phát sinh thành dịch.
5. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, không để phát tán ra diện rộng.
Chi cục BVTV Ninh Thuận