Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G8 - Thách thức an ninh lương thực

Hội nghị các nước công nghiệp phát triển (G8) sẽ diễn ra tại trại David, bang Maryland, Mỹ vào ngày 18 và 19-5. Trong bối cảnh các nước lớn phải gồng mình thắt lưng buộc bụng để cân đối ngân sách, chủ đề đẩy mạnh kinh doanh nông nghiệp, hỗ trợ các nước nghèo, đang phát triển (một trong tám mục tiêu thiên niên kỷ) trở thành vấn đề nổi bật trong 4 chủ đề của hội nghị lần này.

Nước giàu thất hứa

Bốn chủ đề được đưa ra trong hội nghị lần này: chính sách hạt nhân; nguồn năng lượng và nhiên liệu từ thế giới Ảrập; vai trò của NATO tại Afghanistan và kinh doanh nông nghiệp, củng cố nguồn lương thực cho thế giới. Vấn đề nổi lên tại hội nghị, vai trò các nước giàu đến đâu trong việc hỗ trợ các nước nghèo trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, tăng sản lượng lương thực đủ đáp ứng nhu cầu của chính họ, góp phần tăng cường giỏ lương thực toàn cầu.

 
Trẻ em Ethiopia được nhận bữa ăn miễn phí trong một chương trình hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức mời Tổng thống Benin Yayi Boni, Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi, Tổng thống Ghana John Mills và Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete tham dự phiên họp về an ninh lương thực của châu Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 cho thấy tầm quan trọng của các nước châu Phi trong vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Đầu tư vào nông nghiệp có thể tạo ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia nghèo trên thế giới, đặc biệt khu vực châu Phi. Theo trang one.org (trang web của chiến dịch One Campaign kêu gọi các chính phủ chung tay hỗ trợ các quốc gia kém/đang phát triển những nhu cầu thiết yếu), thế giới có khoảng 1,4 tỷ người sống trong hoàn cảnh cùng cực, 70% trong số đó sống ở nông thôn. Ở vùng châu Phi hạ Sahara, hơn 3/4 người lấy nông nghiệp làm nguồn sống chính. 29 quốc gia châu Phi có GDP từ nông nghiệp chiếm hơn 20% tổng GDP. Một số quốc gia như Ethiopia, Liberia và Sierra Leone, tỷ lệ này hơn 50%.

Mặc dù lợi ích thu được từ việc đầu tư vào ngành nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển rất lớn, nhưng số tiền đầu tư 20 tỷ USD giai đoạn giữa thập niên 1980 đã giảm xuống còn 3 tỷ USD đầu thập niên 2000. Năm 2009, G8 đã cam kết tài trợ 22 tỷ USD trong 3 năm để thúc đẩy tăng trưởng trong ngành nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng thực tế, các nước lớn đang dần dãn ra, thất hứa. Trong báo cáo Agriculture Accountability do One Campaign thực hiện, họ chỉ ra việc Chương trình An ninh Nông nghiệp và Lương thực Toàn cầu (GAFSP) do Mỹ, Canada, Tây Ban Nha thành lập và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) cần thể hiện vai trò đầu mối quan trọng trong việc quản lý và đôn đốc các quốc gia phát triển hỗ trợ tài chính theo kế hoạch rõ ràng. Đến tháng 9-2011, thông qua GAFSP, có 7 tổ chức cam kết góp 971 triệu USD nhưng đến nay chỉ nhận được 531 triệu USD. Sự thiếu hụt nguồn ngân sách khiến công tác triển khai các dự án nông nghiệp tại những nước nghèo càng gặp nhiều khó khăn.

Nước nghèo tự thân

Tuy nhiên, có thể nói hỗ trợ của bên ngoài vẫn là yếu tố phụ. Vai trò chính vẫn thuộc về các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất lương thực. Hội nghị khu vực châu Phi của Tổ chức Lương - Nông LHQ (FAO) tại Cộng hòa Congo tháng trước, các nước châu Phi cam kết sẽ nỗ lực xây dựng môi trường hòa bình và đồng thuận, đảm bảo an ninh lương thực bền vững toàn châu lục.

Các nỗ lực bao gồm tăng năng suất nông nghiệp và tăng cường tiếp cận tìm kiếm thị trường hỗ trợ nông dân, giảm nguy cơ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa mất an ninh lương thực và dinh dưỡng, cải thiện khả năng quản lý việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững. Song song với việc khuyến khích các nước giàu tập trung tài trợ các nước nghèo, hội nghị khuyến cáo cần hối thúc các nước chủ động bảo đảm nguồn lương thực cho mình. Cụ thể, các quốc gia châu Phi phải thực hiện cam kết đưa ra tại Hội nghị Maputo năm 2003 dành 10% ngân sách quốc gia đầu tư vào nông nghiệp. Hiện chỉ hơn 10 nước thực hiện.

Trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ phải hoàn thành vào năm 2015, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trở thành nhiệm vụ ưu tiên, giải quyết dứt điểm vào năm 2015, để từ đó tiếp tục hoàn thành những mục tiêu còn lại.

Tổng thống Nga không dự G8

Theo RIA Novosti, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo với người đồng cấp Mỹ Barack Obama rằng ông không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8. Lý do, ông cần thời gian để giải quyết một số vấn đề của chính phủ ở thời điểm mới nhậm chức. Thủ tướng Nga Medvedev sẽ tham dự hội nghị. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama sẽ gặp nhau trong cuộc họp song phương tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Los Cabos, Mexico vào ngày 18 và 19-6.

Nguồn Báo SGGP Online