Châu Á-Thái Bình Dương - Cực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu

Trong nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2012, Uỷ ban Liên Hợp Quốc (LHQ) về Kinh tế - xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) nêu rõ bất chấp tăng trưởng đã chậm lại trong 2 năm liên tiếp, khu vực này vẫn là cực tăng trưởng tin cậy với tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và tiếp tục là cái neo ổn định của nền kinh tế toàn cầu.

Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn nghiên cứu công bố ngày 11-5 cho biết trong hai năm qua, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng chậm lại do nhu cầu của thế giới đối với hàng xuất khẩu của khu vực giảm trong khi hao phí nguồn vốn lại tăng cao. Biến động của giá cả hàng hoá và xu hướng giá hàng hoá tăng dài hạn cũng là thách thức không thể bỏ qua đối với các nền kinh tế khu vực.

UNESCAP dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực sẽ giảm từ 8,9% năm 2010 xuống 7% năm 2011 và chỉ còn 6,5% năm 2012. UNESCAP cho rằng tăng trưởng giảm sẽ giúp làm giảm lạm phát trong khu vực từ 6,1% năm 2011 xuống 4,8% năm 2012. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương vẫn cao hơn bất cứ khu vực nào của thế giới. Buôn bán Nam–Nam với châu Á-Thái Bình Dương năm 2012 sẽ giúp các khu vực đang phát triển khác như châu Phi và Mỹ la tinh giảm nhanh sự phụ thuộc vào các nền kinh tế phát triển đang phải chịu tăng trưởng thấp.

Tiến sĩ Nôlin Hâydơ (Noeleen Heyzer), Phó Tổng Thư ký LHQ và Thư ký chấp hành UNESCAP, nêu rõ rằng do châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đối mặt với môi trường bên ngoài đầy thách thức và vì thế tổ chức này đặt trọng tâm của Nghiên cứu kinh tế - xã hội năm 2012 là tìm kiếm giải pháp giúp các nền kinh tế khu vực vượt qua nhiễu loạn và biến động. Nghiên cứu cũng nêu bật các thách thức chính sách hàng đầu và các lựa chọn đối với các nền kinh tế khu vực. Các thách thức này bao gồm xử lý cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, xử lý quan hệ giữa tăng trưởng không tạo nhiều việc làm và nạn thất nghiệp, dòng vốn và biến động đáng kể của tỷ giá hối đoái. Khu vực cũng cần ưu tiên đảm bảo tăng trưởng có mức phổ quát cao hơn do bất bình đẳng thu nhập trong các nền kinh tế đang phát triển của khu vực đã tăng tới 15% kể từ năm 1990. Tiến bộ xã hội trong khu vực đã bị phương hại chính do bất bình đẳng thu nhập tăng cao này.

Nghiên cứu của UNESCAP lưu ý rằng hơn 1 tỷ người lao động ở châu Á-Thái Bình Dương hiện đang có việc làm song đối mặt với nguy cơ cao mất việc làm. Các nước đang phát triển trong khu vực vẫn không tạo đủ việc làm ngay cả trong các khu vực kinh tế chính thức. Thất nghiệp trong thanh niên cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người trưởng thành và có thể vẫn giữ ở mức 10,2% trong năm 2012.

Theo TTXVN