Rau đắng hay còn gọi là biển súc, cây càng tôm, cây xương cá. Rau đắng có vị đắng, tính bình, không độc vào 2 kinh vị và bàng quang do đó có tác dụng rất tốt cho tiêu viêm, cầm tiêu chảy và diệt ký sinh trùng đường ruột, mụn nhọt, giải độc. Do có tanin nên sử dụng nhiều có thể gây táo bón.
Là loại cây thảo sống hàng năm, nhẵn, có thân mảnh cao, phân nhánh nhiều, các nhánh có khía dọc, màu đỏ tím. Lá mọc so le, hình trái xoan; phẳng, phần trên đốt có ống, lá kèm dạng màng mỏng. Cụm hoa xim co nhỏ ở nách lá, với 1 - 4 hoa màu trắng lục hay hồng tím. Quả có 3 cạnh, hơi có khía, hạt màu nâu đen. Mùa ra hoa tháng 3 - 10. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây. Cây mọc dại ở ven đường, ở những chân ruộng hơi khô, lòng suối cạn nước một số nơi ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng,… Thu hái lúc cây đang có hoa vào mùa xuân, hạ, dùng tươi hay phơi khô.
Bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian
- Chữa tiểu buốt, tiểu rắt: Rau đắng 15 – 20g sấy khô, rửa sạch, cho 450ml nước đun nhỏ lửa còn 200ml, uống thay trà hàng ngày. Dùng liền 15 ngày.
Hoặc rau đắng 15g, bòng bong 20g, mã đề 20g, tất cả rửa sạch, cho 500ml nước sắc còn 250ml nước uống hàng ngày thay trà.
Rau đắng.
- Chữa kiết lỵ: Rau đắng 30g, rau sam 10g, cỏ sữa nhỏ lá 10g. Tất cả rửa sạch, cho 600ml sắc còn 200ml chia uống 3 lần trong ngày. Uống liên tục 3 ngày.
- Hỗ trợ viêm gan vàng da, giải nhiệt, giải độc. Rau đắng khô 12g, hoạt thạch 10g, mộc thông 5g, mã đề 8g, cho nước 3 bát, sắc còn 1 bát chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 3 ngày một liệu trình.
Rau đắng một vị thuốc quý, dùng rau đắng luộc trộn với muối vừng trong bữa ăn thường ngày, có thể phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh: vữa xơ động mạch, hô hấp, tiêu hoá gan mật, thận tiết niệu, lại đơn giản dễ tìm ở đâu cũng có, không có độc tính.
Nguồn Vietbao.vn