Cuộc đối thoại này được tổ chức để thúc đẩy tương tác giữa các tổ chức quốc tế và các nước đang phát triển nhằm tăng cường khả năng xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế của các nước nghèo.
Tại cuộc đối thoại, 50 chuyên gia hàng đầu thế giới về luật quốc tế cùng đại diện các nước đang phát triển đã chia sẻ kinh nghiệm, nguồn tri thức cũng như khảo sát những thách thức thực tiễn về các mô hình tranh chấp thương mại quốc tế. Các chuyên gia của mỗi thời kỳ giải quyết tranh chấp của WTO đã cung cấp các chỉ dẫn trong những lĩnh vực kỹ năng tương ứng về giải quyết tranh chấp.
Phó Tổng Giám đốc WTO, Alêhanđrô Giara (Alejandro Jara), nhấn mạnh hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cung cấp những lợi thế lớn cho hệ thống thương mại đa phương và tất cả các nước thành viên WTO. Tuy nhiên, để khai thác được các lợi thế này từ hệ thống luật pháp thương mại quốc tế ngày càng phức tạp, các nước đang phát triển không chỉ phải hiểu rõ các quy chế mà còn phải biết cách xử lý các tranh chấp trên thực tế.
Tổng Giám đốc ACWL Phraiđơ Rốtlơ (Frieder Roessler) thừa nhận các thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế ngày càng phức tạp. Chính sự phức tạp ngày càng tăng lên này đã thách thức việc đào tạo quan chức chính phủ các nước đang phát triển về giải quyết tranh chấp. Ngày nay, việc đào tạo này cần phối hợp giữa các kinh nghiệm trực tiếp với khả năng truyền tải, tiếp nhận và chia sẻ các bí quyết. ACWL tư vấn cho các nước đang phát triển về tất cả các vấn đề liên quan đến luật của WTO, trong đó có tư vấn pháp lý miễn phí về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
ICTSD là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận chuyên về luật thương mại quốc tế và phát triển bền vững thông qua chia sẻ thông tin và tri thức đồng thời thúc đẩy đối thoại giữa các đối tác có liên quan. Theo nghiên cứu của ICTSD, 88% các nước đang phát triển trên thế giới thừa nhận họ luôn ở vào thế bất lợi trong các tranh chấp thương mại quốc tế do năng lực hạn chế trong xử lý các vấn đề luật pháp quốc tế và luật thương mại quốc tế.
Theo TTXVN