ASEAN+3 cam kết tăng gấp đôi quỹ hoán đổi ngoại tệ

Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc họp tại Manila đã đạt được thỏa thuận về việc tăng tổng số tiền của quỹ hoán đổi ngoại tệ lên 240 tỷ USD, nhằm thực hiện hiệp ước tài chính giữa các nước ASEAN+3, mang tên Sáng kiến Chiang Mai.

Đại diện 10 quốc gia Đông Nam Á cùng ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nhóm họp bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á, đã nhất trí nâng số tiền quỹ dự trữ của nhóm này từ 120 tỷ USD lên 240 tỷ USD. Như vậy, các quốc gia tham gia vào thỏa thuận này có thể vay tiền từ quỹ khi cần, mà không phải chấp nhận các điều kiện của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong bản dự thảo của tuyên bố chung, các nước tham gia vào thỏa thuận tin tưởng vững chắc vào việc nâng số tiền dự trữ của quỹ là một bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu củng cố an ninh tài chính trong khu vực. Lãnh đạo các nước ASEAN+3 ý thức được rõ về các nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế khu vực trong năm 2012. Việc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro tiếp tục kéo dài sẽ đè nặng lên nền kinh tế các nước ASEAN+3 trên phương diện thương mại và tài chính. Sáng kiến Chiang Mai, một hệ thống trao đổi ngoại tệ giữa các nước ASEAN+3, được so sánh như là một Quỹ tiền tệ châu Á. Sáng kiến này được ký kết tại thành phố Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, sau khi ASEAN rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998. Sáng kiến này ban đầu dự kiến cho phép các quốc gia trong khu vực chuyển đổi đồng tiền nội tệ sang USD trong các thời kỳ khủng hoảng.

Trong khoản tiền 120 tỷ USD ban đầu, Nhật Bản và Trung Quốc dự kiến sẽ đóng góp 1/3. Hàn Quốc muốn góp 16 tỷ USD, các nước ASEAN sẽ đóng góp tổng cộng 20 tỷ USD. Theo quy định mới vào năm 2014, số tiền mỗi nước có thể vay gấp đôi số tiền được phép hiện nay.

Bên lề Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ASEAN cũng chính thức ra mắt Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF), nhằm hỗ trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng của các nước thành viên. AIF sẽ tài trợ cho các dự án xây dựng đường bộ, đường sắt, điện, nước và các nhu cầu cơ sở hạ tầng quan trọng khác, ước cần tới 60 tỷ USD/năm.

AIF -sẽ đóng trụ sở tại Malaixia- có Hội đồng quản trị bao gồm đại diện các nước thành viên ASEAN, Giám đốc điều hành là đại diện của ADB, và ADB sẽ đồng tài trợ với AIF để hỗ trợ thêm tài chính. Dự kiến, mỗi năm AIF sẽ hỗ trợ cho khoảng 6 dự án hướng tới cắt giảm nghèo đói, tăng cường thương mại và thúc đẩy đầu tư. Như vậy, từ nay đến năm 2020, tổng cam kết tín dụng của AIF và khoản hỗ trợ thêm của ADB sẽ vào khoảng 13 tỷ USD. Ngoài ra, AIF còn có thể tiến hành phát hành trái phiếu nợ nhằm sử dụng tiềm năng dự trữ ngoại hối trên 700 tỷ USD của ASEAN, đáp ứng tốt hơn cho các yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng tăng của khu vực.

Theo TTXVN