Toàn tỉnh hiện có 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 4 bệnh viện đa khoa khu vực, 7 trung tâm y tế huyện, thành phố và 65 trạm y tế tuyến xã, phường, với tỷ lệ 5,3 bác sĩ/vạn dân. Trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, trình độ cán bộ y tế từng bước được nâng cao, cơ sở vật chất, trang- thiết bị phục vụ cho chẩn đoán, điều trị được quan tâm. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ hạn chế về số lượng và chất lượng nên tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến trên do vượt khả năng điều trị ngày càng cao. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương chung của Chính phủ, tỉnh ta đã “bắt tay” triển khai Đề án 1816, tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở. Đến nay, đã có hàng trăm lượt cán bộ y tế, trong đó có nhiều thầy thuốc có tay nghề cao từ các bệnh viện tuyến trên về “tiếp sức” cho công tác khám, chữa bệnh cho y tế cơ sở, nhất là y tế vùng sâu, vùng xa.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn đầu tư Lò hấp tiệt trùng dụng cụ y tế theo Quy trình Kiểm soát nhiễm khuẩn
được chuyển giao từ Đề án 1816..
Theo bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế, chương trình hợp tác phát triển chuyên môn thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian qua, các Bệnh viện tuyến Trung ương đã hỗ trợ và chuyển giao 17 kỹ thuật cho Bệnh viện tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa. Các kỹ thuật về chuyên môn tại Bệnh viện tỉnh đã tiếp thu được những kỹ thuật mũi nhọn như là về tim mạch, ngoại cột sống, ngoại thần kinh, mổ nội soi và các kỹ thuật khác đã mang lại hiệu quả tốt trong điều trị bệnh nhân. Đặc biệt trong công tác chuyển giao gần đây, các phương pháp điều trị mới như phẫu thuật tạo thông nối tĩnh mạch trong chạy thận nhân tạo, cắt trĩ bằng phương pháp Longo, nẹp vít cho các trường hợp gãy phức tạp, nội soi cắt đốt u xơ tiền liệt tuyến… nhờ đó bệnh nhân đi vào TP. Hồ Chí Minh điều trị bệnh giảm đáng kể.
Cùng với việc tiếp nhận cán bộ từ các bệnh viện Trung ương về hỗ trợ, bệnh viện tuyến tỉnh đã cử thầy thuốc có chuyên môn giỏi về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Trong hơn 3 năm, các bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao 15 kỹ thuật cho các bệnh viện huyện; hàng trăm lượt bác sĩ luân phiên khám, chữa bệnh tại các trạm y tế vùng sâu, vùng xa. Qua đó, trình độ chuyên môn của các thầy thuốc ở các tuyến dưới cũng được cải thiện đáng kể. Bác sĩ Nguyễn Văn Nhiệm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn cho biết: “Được hỗ trợ từ Đề án 1816, bệnh viện chúng tôi đã tiếp thu và phát triển nhiều kỹ thuật y tế về lâm sàng và cận lâm sàng, trong đó có các kỹ thuật đáng lưu ý như: kỹ thuật mổ lấy thai, kỹ thuật truyền máu và lấy máu, gây mê hồi sức, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và kỹ thuật ngoại tổng quát. Hiện nay, bệnh viện đã thực hiện được các ca mổ sản, mổ ngoại, đặt nẹp vít các trường hợp gãy xương tay, chân; đóng đinh nội tủy xương đùi, gãy xương vùng khớp. Trong trường hợp các ca chấn thương khó, các bác sĩ của Bệnh viện tỉnh còn trực tiếp hỗ trợ thực hiện phẫu thuật thành công, cứu sống nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Nhờ đó, tạo niềm tin cho người dân khu vực Bác Ái, Ninh Sơn khi đến điều trị tại bệnh viện chúng tôi”.
Với việc luân phiên cử bác sĩ hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở thời gian qua của ngành Y tế đã góp phần xóa tình trạng “trắng” bác sĩ tại các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật mới trong y học là cách đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp cho cán bộ y tế tuyến dưới nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến khám tại trạm cũng tăng lên đáng kể, người dân tin tưởng vào công tác y tế ở địa phương hơn. Anh Lê Văn Dũng, thôn Tân Hiệp, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) bày tỏ niềm phấn khởi: “Trước đây, trạm chưa có bác sĩ, chủ yếu khám các bệnh cảm, sốt thông thường cho trẻ nhỏ. Mẹ chồng tôi bị tiểu đường phải đi ra huyện mới có thuốc. Bây giờ bác sĩ về trạm, cứ nửa tháng tôi lại đi lấy thuốc cho bà, thuận tiện hơn nhiều. Trạm y tế xã đã có bác sĩ về khám hàng tuần, người dân trong thôn yên tâm hơn”.
Từ thực tiễn công tác khám, chữa bệnh của tỉnh ta thời gian qua cho thấy, Đề án 1816 đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ y tế chuyên sâu. Phát huy hiệu quả bước đầu gặt hái được từ Đề án 1816, ngành Y tế tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành hiện nay.
Diễm My