Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban Chỉ đạo trình báo cáo đầu tiên lên
Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2012. - Ảnh: VGP/Từ Lương
Ban Chỉ đạo quốc gia hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học công nghệ được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 17/2/2012.
Ngày 27/4, Ban Chỉ đạo đã họp phiên đầu tiên để thảo luận và góp ý về những kế hoạch, chương trình công tác của Ban.
Theo các đại biểu dự cuộc họp, với yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực này là một nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới.
Giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của Việt Nam bước vào giai đoạn mới đòi hỏi phải có những chuyển biến nhanh, đồng bộ có tính chiến lược, tránh rơi vào sự lạc hậu và tụt hậu với thế giới.
Việc hợp tác quốc tế về giáo dục và khoa học công nghệ ở các Bộ, ngành, địa phương đang diễn ra song song, phân tán, trùng lắp, thiếu tính kế thừa và hiệu quả không cao, dẫn đến việc phân tán và lãng phí nguồn lực đến từ quốc tế. Việc chớp thời cơ và tranh thủ cơ hội hợp tác với các đối tác giáo dục và khoa học công nghệ mạnh có tính chiến lược trên thế giới cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Cơ sở để nền giáo dục và khoa học, công nghệ nước ta có thể hội nhập sâu rộng và thành công trên thế giới vì Việt Nam có truyền thống quan hệ với các nước mạnh về khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo; hệ thống và mạng lưới các cơ quan đại diện Viêt Nam ở nước ngoài khá phong phú ở các nước trên thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Giáo dục và khoa học, công nghệ là 1 trong 3 khâu đột phá, vì thế buộc phải có sự thay đổi thực chất, hiệu quả. Giáo dục và khoa học, công nghệ không thể tự vận động mà không có sự hỗ trợ và hợp tác từ quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đề nghị cần có cơ chế chính sách và bố trí cơ cấu ngân sách phù hợp để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; cần có cơ chế huy động và thu hút các nguồn lực khác trong xã hội để đầu tư vào các hoạt động giáo dục, khoa học, công nghệ. Mặt khác, khi hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học công nghệ, chúng ta phải sẵn sàng và chấp hành các nguyên tắc chung của quốc tế.
Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ khi quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ:Hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát huy vai trò của khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước và ổn định xã hội.
Đến năm 2020, nhân lực Việt Nam có năng lực cạnh tranh tương đương các nước tiên tiến trong khu vực; có một số mặt về giáo dục và đào tạo tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới; Việt Nam trở thành nước mạnh trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học và công nghệ của nước ta với khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo nhằm giải quyết những thách thức mới, khắc phục khó khăn và không để lỡ thời cơ hội nhập quốc tế của giáo dục và khoa học, công nghệ của quốc gia. Từ đó, ngành giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ phải có chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và đổi mới đột phá về cách làm để đem lại hiệu quả cao mà không đề cập nhiều đến việc tăng nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam lên danh sách những dự án hợp tác hội nhập quốc tế lớn có tính thúc đẩy cho giáo dục nước nhà. Những chương trình phát triển toán học, vật lý và khoa học xã hội và nhân văn hội nhập quốc tế phải được xây dựng và triển khai thực hiện hết sức khẩn trương.
Đối với ngành khoa học và công nghệ, Phó Thủ tướng chỉ ra những nhiệm vụ lớn cần tập trung giải quyết, theo đó cần ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao và khoa học cơ bản phục vụ đất nước như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ nano, hải dương học, tự động hóa, năng lượng hạt nhân, năng lượng mới, năng lượng tái tạo và công nghệ vũ trụ.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nêu quan điểm riêng về việc Việt Nam có cơ sở để trở thành nước mạnh trên một số lĩnh vực về khoa học công nghệ, nước mạnh về nông nghiệp và kinh tế biển.
Phó Thủ tướng nêu rõ, những nhóm công việc lớn mà các thành viên Ban Chỉ đạo phải quan tâm chỉ đạo là phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; danh mục dự án về cơ sở dữ liệu phục vụ đất nước, mạng lưới phòng thí nghiệm quốc gia; đĐề án đào tạo 20.000 giáo viên tiếng Anh; xây dựng hệ thống dạy nghề hiện đại, nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng đề cương, chương trình hợp tác trong giáo dục và khoa học công nghệ với Nhật Bản, Đức, Hoa Kỳ, Nga.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cần rà soát tổng thể cơ chế quản lý, cơ chế tài chính hợp tác giáo dục và khoa học và công nghệ cấp quốc gia với các ủy ban hợp tác song phương giữa các đối tác chiến lược mà Việt Nam đã ký kết hoặc sắp thỏa thuận.
Phó Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo chuẩn bị xây dựng và có báo cáo quốc gia về hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học công nghệ, trình bản báo cáo đầu tiên lên Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2012.
Về các hoạt động của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị chuẩn bị nhân sự cho tổ thư ký để giúp việc trực tiếp Ban Chỉ đạo.
Nguồn www.chinhphu.vn