Y HỌC - ĐỜI SỐNG

Lão hóa sớm vì... bị bạo hành

Những trẻ từng trải qua nạn bạo hành hay bị bắt nạt có thể gặp nguy cơ ADN bị tổn hại, dẫn đến già trước tuổi từ 7-10 năm so với các bạn cùng trang lứa.

Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà nghiên cứu tại Viện khoa học gene và chính sách (Mỹ), đo tuổi thọ tế bào của trẻ em bằng cách nghiên cứu các điểm cuối của nhiễm sắc thể, còn được gọi là telomeres, theo báo USA Today.

Việt Nam quyết tâm tăng cường bảo vệ trẻ em hơn nữa

Telomeres là những chuỗi ADN đặc biệt hoạt động giống như những đầu nhựa của dây giày, ngăn ADN trong các nhiễm sắc thể không bị tách ra. Telomeres càng ngày càng ngắn mỗi khi một tế bào phân chia, cho đến khi tế bào không thể phân chia được nữa và chết đi.

Nhiều nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng các telomeres bị rút ngắn có thể do nhiều yếu tố, như hút thuốc, nhiễm xạ và một số căng thẳng tâm lý.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia kiểm tra xem liệu việc trải qua bạo lực có khiến các telomeres của trẻ bị rút ngắn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa hay không.

Theo đó, giới nghiên cứu đã phỏng vấn các bà mẹ của 236 trẻ ở độ tuổi 5, 7 và 10 về việc liệu các con của họ có chịu cảnh bạo hành gia đình, bị đánh đập hay bị bắt nạt. Sau đó, họ đo telomeres của những đứa trẻ này.

Kết quả cho thấy những đứa trẻ hứng chịu ít nhất hai loại bạo lực có telomeres bị rút ngắn nhanh hơn.

Nếu không được điều chỉnh kịp thời, những đứa trẻ này có nguy cơ mắc bệnh tim và mất trí nhớ sớm hơn từ 7 - 10 năm so với các bạn cùng trang lứa.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong một số trường hợp ở trẻ bị bạo hành, telomeres có thể kéo dài ra nhờ vào việc trẻ được cấp dinh dưỡng tốt hơn, tập thể dục và giảm căng thẳng.

Nguồn Khoa học.com.vn