(NTO) Ngày 25-4, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) Trung ương do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương làm trưởng đoàn. Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Phan Đình Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành, Báo Ninh Thuận và Đài PTTH tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Văn Miên
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe đồng chí Phan Đình Hòa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học – nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Thông báo Kết luận 213 của Ban Bí thư về Đề án “Đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học – nghệ thuật” và Chỉ thị 46 của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các ấn phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Báo cáo nêu rõ, thời gian qua, được sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã bám sát và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X), Thông báo Kết Luận 213 và Chỉ thị 46 của Ban Bí thư. Tỉnh đã quan tâm và tạo điều kiện cho hoạt động của cơ quan Tuyên giáo các cấp, các cơ quan thông tin, báo chí, các đơn vị văn hóa trên địa bàn. Tập huấn nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học - nghệ thuật cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ quản lý các cấp và cán bộ quản lý lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Các đơn vị hoạt động văn hóa trên địa bàn phối hợp chặt chẽ trong hoạt động thông tin tuyên truyền; thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra quản lý, sử dụng, xuất bản các ấn phẩm văn học nghệ thuật, qua đó đã xử lý và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại và những tài liệu có nội dung xấu… Qua đó, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa phong phú của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số mặt hạn chế như chưa xuất hiện nhân tố tài năng sáng tác, tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao. Một số tác phẩm nghệ thuật vẫn còn hạn chế về giá trị nghệ thuật nhất là trong văn xuôi và thơ. Chưa có tác phẩm tương xứng với tầm vóc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, về con người Ninh Thuận; chưa phát huy tốt chức năng phê bình, hướng dẫn dư luận của văn học nghệ thuật…
Đồng chí Phan Đình Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo tình hình triển khai
thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học- nghệ thuật trong thời kỳ mới”
tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Miên
Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, tỉnh ta xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như, tiếp tục quán triệt sâu kỹ về vai trò, vị trí quan trọng của văn học nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X), Thông báo Kết luận 213 và Chỉ thị 46 của Ban Bí thư. Chỉ đạo thường xuyên, cụ thể trên cơ sở coi trọng và phát huy tối đa thế mạnh về truyền thống văn hóa vốn có của tỉnh để phát triển văn hóa, văn học - nghệ thuật, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ở địa phương. Các hoạt động văn học nghệ thuật phải gắn với tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, nhất là qua thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI)…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy sau khi thông tin với Đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và một số nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện cả trước mắt và lâu dài. Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và các Kết luận, Chỉ thị nêu trên trong thời gian qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng đã mang lại một số kết quả tích cực cả về nhận thức trong cán bộ, nhân dân và bằng những công việc cụ thể trong lĩnh vực VHNT. Đồng chí cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế, nhất là nhận thức của các cấp ủy, chính quyền các cấp chưa được nâng lên đúng tầm với yêu cầu phát triển… Về định hướng cho thời gian tới, tỉnh sẽ xem xét lại một số cơ chế, chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ; cân nhắc bố trí ngân sách phù hợp để tạo thuận lợi cho công tác VHNT phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Văn Miên
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương và đoàn công tác
tham quan làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp . Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Trưởng đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh ta đã nỗ lực triển khai thực hiện thời gian qua trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. Đồng chí nhấn mạnh, đầu tư cho VHNT là đầu tư chiều sâu, là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội… do vậy tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc chỉ đạo thực hiện, tạo điều kiện để hoạt động VHNT đạt hiệu quả. Các cơ quan báo chí trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền nhất là những điển hình làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ trong đời sống xã hội…
Tuấn Dũng