Ninh Sơn: Bài toán tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững

(NTO) Nổi tiếng với vùng nguyên liệu mía đường, khoai mì của tỉnh và sự trù phú về cây trồng, vật nuôi, huyện Ninh Sơn đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần phải có hướng đi phù hợp.

Phát triển vùng cây nguyên liệu

Với tổng diện tích tự nhiên trên 77.000 ha, trong đó, đất nông- lâm nghiệp chiếm gần 70%; cộng với đặc điểm thổ nhưỡng phong phú, nhiều dạng địa hình, khí hậu khác nhau, nông nghiệp Ninh Sơn có cơ cấu cây trồng khá đa dạng và mang tính đặc trưng. Một trong những điểm nhấn của bức tranh nông nghiệp ở đây là vùng cây nguyên liệu mía đường, khoai mì.

Xây dựng vùng nguyên liệu mía, khoai mì là một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế của huyện Ninh Sơn.

Công chăm sóc ít, vốn đầu tư ban đầu không cao, dễ thu hoạch, dễ tiêu thụ,… là những yếu tố khiến cho 2 cây trồng này tồn tại lâu dài và ngày càng tăng diện tích tại địa phương, đặc biệt là 2 xã Hòa Sơn, Quảng Sơn. Theo thống kê, diện tích cây mì năm 2010 chỉ khoảng 1.900 ha nhưng đến nay đã tăng lên xấp xỉ 2.400 ha. Diện tích mía đường cũng tăng từ 1.800 ha (năm 2010) lên mức trên dưới 2.000 ha (năm 2012).

Tuy nhiên, hiện nay, đa số các giống mì, mía trồng trên địa bàn huyện là giống cũ, được sử dụng để trồng lại nhiều năm nên ngày càng thoái hóa, dẫn đến năng suất thấp. Thực tế, năng suất mì vụ đông- xuân năm nay chỉ ở mức dao động từ 16 – 18 tấn/ha, trong khi bình quân mọi năm đạt khoảng 25 tấn/ha. Mặt khác, gần 90% diện tích mía, mì ở đây không chủ động nước tưới, khó thực hiện luân canh, không thể rải vụ nên thời điểm thu hoạch thường tập trung, gây áp lực cho đơn vị thu mua, đồng thời làm giảm phần nào chất lượng nông sản do thu hoạch chậm.

Một lý do khác khiến cho việc xây dựng vùng nguyên liệu có phần bấp bênh chính là giá nông sản. Thực tế những năm qua, người nông dân không ít lần điêu đứng với giá mía, mì. Ngoài những điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, tình hình thời tiết thất thường và giá nhân công, vật tư nông nghiệp liên tục tăng cũng khiến người trồng mía, mì phải “dở khóc, dở cười”.

Hiện tại, chưa có doanh nghiệp nào kí hợp đồng bảo hiểm cho sản phẩm từ cây mì. Ngoài ra, một số bà con tự ý phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp thu mua khi có tư thương trả giá cao hơn. Điều này khiến cho "đầu ra" vì thế càng trở nên bấp bênh.

Giống mì KM 288 trồng thử nghiệm tại xã Quảng Sơn có khả năng chịu hạn tốt và cho năng suất đạt 36 tấn/ha.
Nông dân địa phương đầu tư mở rộng diện tích trồng mì giống KM 288 cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến.
Ảnh: Sơn Ngọc

Để vượt qua những khó khăn trên, ông Phan Kế Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vừa qua, phòng có phối hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư đưa một số giống mía mới là K88-65, K88-92 và giống mì mới KM228, KM419 vào trồng thí điểm, đạt năng suất cao, chất lượng tốt, sẽ nhân rộng trong thời gian tới. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên làm việc với 2 Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang và Công ty TNHH Tinh bột Mì để phối hợp triển khai đến nông dân các thông tin về giá cả, thời gian thu hoạch, xây dựng hợp đồng niên vụ,… “Chúng tôi rất mong được các cấp, ngành quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi và giao thông trên địa bàn được hoàn thiện hơn, giúp bà con nông dân chủ động trong sản xuất”, ông Vũ nói thêm.

Nhiều giải pháp, một mục tiêu

Vùng chuyên canh lúa, thuốc lá, các mô hình nuôi cá thương phẩm, nuôi bò lai Sind,… đều là bằng chứng xác thực cho những nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại Ninh Sơn. Ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định thêm: “Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào công tác quy hoạch để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở áp dụng tiến bộ KH-CN; khai thác tối đa lợi thế đất sản xuất mà vẫn phù hợp với quy hoạch của tỉnh, ngành, địa phương. Song song với những giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, Ninh Sơn chú trọng vào các lĩnh vực khác như: công nghiệp, du lịch, với những mục tiêu cụ thể.”

Ngoài vùng chuyên canh nguyên liệu, cây ăn trái ở Lâm Sơn cũng đang dần khẳng định tên tuổi. Mặc dù xuất hiện một cách tự phát nhưng cây ăn trái Lâm Sơn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nơi đây. Điều đáng lo ngại vẫn là "đầu ra" cho sản phẩm. Hiểu được nỗi lo ấy, huyện Ninh Sơn đang ráo riết đưa vườn cây ăn trái Lâm Sơn vào quy hoạch ngành Nông nghiệp của địa phương, trên cơ sở đó xây dựng những giải pháp cụ thể giải quyết "đầu ra", tiến tới mục tiêu xây dựng thương hiệu sản phẩm trái cây Lâm Sơn, gắn với phát triển du lịch nhà vườn. Tận dụng lợi thế trời phú với những cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, Ninh Sơn đang triển khai thu hút đầu tư phát triển du lịch, khôi phục lại suối nước nóng Krông Pha, nâng cấp khu du lịch Sakai, nhằm thu hút khách đến với du lịch huyện nhà trong thời gian tới.

Mặt khác, hiện tại trên địa bàn huyện có 3 nhà máy thủy điện đang hoạt động: Đa Nhim, Sông Pha, Sông Ông, với tổng công suất trên 170 MW, tổng sản lượng hàng năm hơn 1 tỷ kWh. Ngoài ra, hai nhà máy Hạ Sông Pha 1 và Hạ Sông Pha 2 đang thi công xây dựng, với tổng công suất 10,5 MW, dự kiến đưa vào vận hành năm 2013. Đây không chỉ là nguồn cung cấp điện năng cho hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện, mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách huyện nhà hàng năm.

Để các giải pháp trên được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả, việc tu sửa, nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn là rất quan trọng, đặc biệt là Quốc lộ 27B, được xem là con đường huyết mạch của huyện để giao lưu với các địa phương khác, phát triển kinh tế.

Tất cả những giải pháp được đặt ra chỉ nhằm một mục tiêu chung là đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện trong năm 2012 đạt mức 12%, nâng cao chất lượng đời sống người dân trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Đây không chỉ là bàn đạp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững trong tương lai mà còn là nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới của huyện Ninh Sơn.