Theo phản ánh của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) tại Hội thảo “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ” diễn ra ngày 24/4 tại Ninh Thuận: Tình hình kinh doanh tôm giống rất phức tạp, một số cơ sở ương giống mua Naupli, post của một số cơ sở sản xuất giống lớn về trộn với tôm của mình sản xuất hoặc với tôm chợ rồi lại lấy bao bì, nhãnh mác của công ty làm thương hiệu của mình. Một số lượng tôm giống cũng được buôn bán qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc qua cửa khẩu Quảng Ninh về Việt Nam. Hầu hết số lượng này không được kiểm dịch, kiểm soát nên gây thiệt hại cho người nuôi.
Theo báo cáo của các địa phương, thời gian qua có một số doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu tự gia hóa đàn tôm bố mẹ. Nhiều cơ sở sản xuất giống sử dụng đàn bố mẹ không xác định được là nhập hay sử dụng tôm bố mẹ được nuôi lên từ đàn thương phẩm tại Việt Nam. Tại Khánh Hòa, có 10 cơ sở sử dụng tôm thẻ chân trắng gia hóa tại Việt Nam, và Ninh Thuận – 2 cơ sở. “Việc tự gia hóa và sử dụng tôm bố mẹ gia hóa là sai với qui định pháp luật” – ông Dương Văn Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản khẳng định.
Được biết, hiện nay Tổng cục Thủy sản đang chủ trì soạn thảo tiêu chuẩn Việt Nam về giống tôm thẻ chân trắng và sẽ sớm ban hành để phục vụ quản lý. Tổng cục cũng đang triển khai dự án Quản lý chất lượng giống các loài giáp xác, đặc biệt chú trọng đến giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Trong năm 2012, phối hợp với các địa phương sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu và sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Ngành chức năng cũng sẽ kiểm tra, đánh giá và phân loại các cơ sở sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng trên địa bàn 6 tỉnh trọng điểm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Năm 2013 sẽ tiến hành đối với 22 tỉnh còn lại./.
Nguồn VOV Online