Bác Ái với bài toán lao động, việc làm

Là huyện miền núi có trên 95% đồng bào Raglai sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 55%, nhằm giảm nghèo hiệu quả và bền vững huyện Bác Ái đang nỗ lực tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên bài toán lao động, việc làm tại địa phương hiện vẫn là vấn đề hết sức nan giải.

Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Bác Ái đó là trình độ lẫn ý thức của người lao động còn hạn chế. Mặt khác, tâm lý ngại đi xa và thói quen lao động công nghiệp khiến việc tuyển chọn lao động tại địa phương đang gặp nhiều trở ngại. Thực tế năm 2011, qua tổ chức chiêu sinh lao động đăng ký học nghề, toàn huyện Bác Ái chỉ có 350 lao động đăng ký tham gia. Qua tuyển chọn, huyện đã gửi 112 lao động đi học nghề và làm công nhân may tại tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, chỉ trong một quá trình ngắn làm việc (2-4 tháng) hầu hết các lao động đã bỏ về địa phương với nhiều lý do như: không quen tác phong lao động công nghiệp, xa nhà buồn…

Phát huy hiệu quả tưới của công trình thủy lợi Sông Sắt, xã Phước Tiến trở thành vùng trọng điểm lúa của huyện Bác Ái.
Trong ảnh Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa nước. Ảnh: Sơn Ngọc

Một trong những hướng đào tạo được coi là thiết thực và phù hợp hơn tại huyện nghèo Bác Ái đó là đào tạo nghề nông nghiệp tổng hợp tại địa phương cho cán bộ khuyến nông cơ sở để đội ngũ này có trình độ, kiến thức hướng dẫn lại người dân ứng dụng KHKT vào sản xuất. Tuy nhiên với kinh phí được phân bổ hạn hẹp với 87 triệu đồng/năm nên huyện Bác Ái chỉ tổ chức được 1 lớp học ngắn hạn cho 38 cán bộ khuyến nông. Với kiến thức học được không nhiều và phần lớn còn trẻ tuổi ít kinh nghiệm nên đội ngũ này bước đầu gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.

Theo ông Bùi Quốc Việt, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, khó khăn của huyện đó là do không chủ động nguồn kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo. Thông thường đầu năm các xã đều có đăng ký chỉ tiêu đào tạo nghề, tuy nhiên kinh phí phân bổ về địa phương quá thấp và chậm nên không kịp thời triển khai dạy nghề cho số lao động đã đăng ký. Chính vì vậy trong năm 2011 toàn huyện chỉ đào tạo được 5 lớp với 160 lao động.

Là địa phương được ưu tiên tuyển dụng lao động đi xuất khẩu, được tạo điều kiện về vốn, đào tạo kỹ năng lao động, học tiếng... Mặt khác theo đánh giá thì thị trường lao động Malaysia rất phù hợp với môi trường, trình độ của người lao động địa phương, mức thu nhập những tháng đầu tiên từ 4,5-5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền lương làm thêm giờ. Tuy nhiên năm 2011 huyện được giao 81 chỉ tiêu xuất khẩu lao động thì chỉ có 31 người tham gia, tương đương mức 38,7% kế hoạch...

Qua đánh giá, huyện Bác Ái đã chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến việc đào tạo nghề và xuất khẩu lao động không đạt kế hoạch là do công tác chỉ đạo và tuyên truyền còn nhiều hạn chế; sự quan tâm, tham gia phối hợp của các cấp, các ngành địa phương chưa đồng bộ, số lượng người tham gia xuất khẩu lao động thấp, chất lượng lao động không đảm bảo cả về trình độ lẫn sức khỏe...

Theo kế hoạch năm nay, huyện sẽ đào tạo nghề cho 550 người, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động và xuất khẩu lao động 50 trường hợp. Trên cơ sở khắc phục những tồn tại, huyện Bác Ái đang tăng cường công tác chỉ đạo, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình xuất khẩu lao động để người dân tích cực tham gia. Mặt khác, huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã và đưa nội dung này vào Nghị quyết Hội đồng nhân dân để quyết tâm thực hiện. Nhằm gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, huyện chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động liên kết đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động như đảm bảo chỗ ăn ở, sinh hoạt, môi trường sản xuất, chế độ chính sách phù hợp để lao động địa phương yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.

Ông Bùi Quốc Việt, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cho biết thêm: “Trên cơ sở được phân bổ nguồn vốn 200 triệu đồng, hiện nay huyện đang phối hợp với Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây trồng khô hạn Viện KHKT nông nghiệp Duyện hải Nam Trung Bộ tổ chức 3 lớp đào tạo cho 100 lao động tại xã Phước Tiến về kỹ thuật trồng lúa cao sản gắn với mô hình thực tế. Đối với xuất khẩu lao động huyện chủ trương chọn thị trường phù hợp, không quá khắt khe trong công tác thi tuyển, chi phí thấp để ký hợp đồng. Với cách làm này, từ đầu năm đến nay huyện đã có 7 trường hợp được thị trường Malaixia tiếp nhận làm việc, 14 trường hợp khác sau khi khám đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, trình độ đang được bồi dưỡng các khóa học liên quan để đi xuất khẩu lao động trong thời gian tới”.

Với những nỗ lực mạnh mẽ và giải pháp phù hợp, tin rằng bài toán lao động, việc làm tại địa bàn huyện Bác Ái sẽ được giải quyết, để thực sự mang lại hiệu quả, góp phần trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.