Nêu gương trong giáo dục học sinh - sinh viên theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

(NTO) Bác Hồ lúc sinh thời, Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”– đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Trong công tác giáo dục, Người rất coi trọng đến “nêu gương”.

Bác đã vận dụng phương thức giáo dục của người xưa: “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn thi giáo” tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Bác đã nhiều lần căn dặn giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên (HS-SV) là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Vì vậy, để giáo dục đạo đức cho HS-SV, trước hết là những người làm công tác giáo dục và cán bộ, đảng viên phải luôn nêu gương về đạo đức, tức là “tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính”.

 
Cô giáo Trần Thị Phúc Hòa, với học sinh lớp chuyên Văn Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Ảnh: Sơn Ngọc

Trong nhà trường việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho HS-SV được thực hiện dưới nhiều hình thức: Giáo dục thông qua các môn học, các hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống, hoạt động đoàn thể, giáo dục ngoại khóa, giáo dục cá biệt… Song giáo dục nêu gương là hiệu quả nhất. Bởi lẽ thầy, cô giáo “nhất cử nhất động” đều ảnh hưởng trực tiếp đến HS-SV. Từ lời ăn tiếng nói, tác phong, thái độ cư xử cho đến lối sống hằng ngày đều tác động trực tiếp đến HS-SV. Bác Hồ đã chỉ rõ: “Người Việt Nam vốn giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Muốn phát huy ưu thế phương thức giáo dục bằng nêu gương, ngành GD-ĐT trước hết phải củng cố, sàng lọc, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo để xây dựng cho được đội ngũ “thầy ra thầy” và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “dạy tốt”, “học tốt” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học, sáng tạo”. Theo tư tưởng giáo dục đạo đức của Bác Hồ, ai cũng có thể nêu gương về đạo đức cho người khác học tập những tấm gương “người tốt, việc tốt”. Ngày nay tính “hai mặt” của cơ chế thị trường tác động qua lại chi phối nhau. Do đó, bên cạnh số đông các nhà giáo biết trọng đạo lý, biết kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội cũng còn một bộ phận không nhỏ chỉ biết vì mình, nặng về thị trường hóa giáo dục dẫn đến thoái hóa về đạo đức, làm tổn thương uy tín nhà giáo và ảnh hưởng đến vai trò nêu gương trong giáo dục đạo đức cho HS-SV.

Để khắc phục những biểu hiện trên, trong thời kỳ hội nhập, thiết nghĩ chúng ta cần tập trung làm tốt những nội dung sau:

Một là, nêu cao vai trò gương mẫu về đạo đức, lối sống của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp của ngành GD-ĐT học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bởi đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những người trực tiếp làm công tác giáo dục. Sự nghiệp “trồng người” đang đòi hỏi các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải thực sự mô phạm về đạo đức, lối sống: nỗ lực rèn luyện và hoàn thiện nhân cách, thực hiện tốt “nói đi đôi với làm” theo tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, người thầy giáo chẳng những là tấm gương sáng về đạo đức mà còn phải có trình độ năng lực chuyên môn giỏi. Chính chất lượng giáo viên là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng giáo dục. Ngày nay trong xu thế toàn cầu hóa, xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt nên cách nhìn, cách hiểu và cách dạy của người thầy phải luôn luôn đổi mới, luôn luôn cập nhật kiến thức, không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết mới đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của thế hệ tương lai.

Nếu nhà giáo không có hành trang kiến thức luôn luôn mới mà cứ lặp lại những bài giảng khô khan, giáo điều, sao chép, đọc chép, những kiến thức cũ mòn sẽ làm cho học sinh chán học …

Ba là, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và rèn luyện đạo đức cho HS-SV. Bởi lẽ sự tác động vào nhận thức, tình cảm, ý chí của học sinh không phải chỉ từ phía chủ thể giáo dục mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường văn hóa, sư phạm. Muốn xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, trước hết cần tập trung làm tốt cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ở đó phải có tập thể sư phạm đoàn kết, thân ái, hết lòng vì học sinh thân yêu, giải quyết tốt các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, nhất là mối quan hệ với nhân dân địa phương. Mặt khác, cần tập trung hướng vào tiêu chuẩn xây dựng con người mới “phát triển toàn diện về tư tưởng, chính trị, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, trong cộng đồng và xã hội”.

Các nội dung xây dựng môi trường giáo dục cần có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị, xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống và nâng cao năng lực tự định hướng, điều chỉnh, nuôi dưỡng và phát triển hoàn thiện nhân cách theo hướng vươn tới “chân, thiện, mỹ” để tạo lập dư luận xã hội tích cực, không để “thói hư tật xấu”, lối sống lạc hậu, tiêu cực trái với chuẩn mực đạo đức xâm nhập vào nhà trường.

Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục: “nhà trường – gia đình và xã hội”. Bởi chúng ta đều biết, HS-SV là con em của các gia đình, là thành viên của xã hội. Trong một gia đình nếu ông, bà, cha, mẹ, anh, chị em sống thiếu gương mẫu sẽ ảnh hưởng rất xấu đến tư tưởng, tình cảm của con em. Ngoài xã hội, nếu người dân hay cán bộ, quan chức nhà nước suy thoái về đạo đức sẽ là tấm gương xấu tác hại đến đạo đức, lối sống của HS-SV.