Khắp nơi đều giảm
Thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM, một trong 2 đơn vị có hồ sơ ĐKDT nhiều nhất của cả nước, kết thúc thời hạn nhận hồ sơ ĐKDT năm 2012, đơn vị này nhận được hơn 137.000 hồ sơ. Như vậy, lượng hồ sơ ĐKDT năm nay của sở giảm khoảng 13.000 hồ sơ so với năm 2011 (trên 150.000 hồ sơ).
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ
tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM.
Theo cán bộ thu nhận hồ sơ của sở cho biết, có thể hồ sơ giảm là do thí sinh xác định rõ, lựa chọn được ngành và trường để thi. Do đó, năm nay đa phần thí sinh nộp từ 1 đến 2 hồ sơ và cao lắm là 3 - 4 hồ sơ. Đặc biệt, số thí sinh “rải” 5 - 8 hồ sơ vào các trường không thấy xuất hiện như mọi năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, tính đến ngày 24-4, phòng tuyển sinh đã thu nhận khoảng 25.000 hồ sơ ĐKDT của thí sinh tự do. Trong khi đó, một số trung tâm luyện thi được phép thu nhận hồ sơ ĐKDT cho đơn vị này cũng đang hoàn tất nhập liệu để chuyển giao hồ sơ về. Nhận định về lượng hồ sơ năm nay của thí sinh, ông Cường cho biết, nhiều khả năng hồ sơ ĐKDT của thí sinh tại TPHCM có thể tương đương so với năm 2011 (gần 28.600 hồ sơ).
Dù chưa nhập liệu để thống kê từng trường, nhưng hôm qua, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cũng cho biết tổng số hồ sơ đăng ký năm nay của học sinh tỉnh nhà giảm. Ông Trần Hữu Tâm, cán bộ thu nhận hồ sơ Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng số hồ sơ ĐKDT năm nay của sở là trên 48.500, giảm hơn 4.000 hồ sơ so với năm 2011. Theo phân tích của sở này, nguyên nhân hồ sơ giảm là do tình trạng một thí sinh nộp 5 - 6 hồ sơ giảm mạnh.
Ông Lê Quang Hảo, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết, hồ sơ ĐKDT năm nay của thí sinh tương đương với năm rồi. Toàn tỉnh có 10.151 hồ sơ trên 7.000 học sinh lớp 12. Như vậy trung bình mỗi học sinh nộp chưa tới 1,5 hồ sơ. Tỷ lệ này tương đối thấp so với mọi năm.
Trong khi đó, Sở GD-ĐT một số tỉnh như Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương… cũng cho biết nhiều khả năng hồ sơ ĐKDT năm nay sẽ giảm so với năm 2011.
Trong khi đó, kết thúc nhận hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ tổ chức thi, nhiều trường tại TPHCM và Hà Nội cho biết, số thí sinh đến nộp hồ sơ giảm so với mọi năm. Có trường chỉ nhận được lượng hồ sơ bằng 50% so với lượng hồ sơ năm 2011.
Chọn ngành theo cảm tính
Hồ sơ ĐKDT giảm đối với nhiều trường là tín hiệu tích cực vì chắc chắn các trường sẽ bớt đau đầu với bài toán hồ sơ ảo và thí sinh ảo. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê từ một số đơn vị cho thấy việc lựa chọn ngành nghề năm nay của thí sinh vẫn theo cảm tính, chưa có sự tính toán, cân nhắc trong lựa chọn ngành nghề.
Kết quả thống kê trên 18.200/25.000 hồ sơ của Phòng Tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho thấy việc chọn ngành nghề của thí sinh vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm. Thống kê cho thấy, dẫn đầu trường có nhiều hồ sơ ĐKDT là Trường ĐH Sài Gòn với trên 2.200 hồ sơ, Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại (1.302 hồ sơ), Trường ĐH Sư phạm TPHCM (1.160 hồ sơ), Trường ĐH Y Dược TPHCM (1.122 hồ sơ), ĐH Tài chính Marketing hơn 600 hồ sơ…
Về khối thi, khối A chiếm đến gần 8.700 hồ sơ trong tổng số 18.200 hồ sơ đã thống kê. Tiếp đến là khối D1 (trên 4.000 hồ sơ), khối B hơn 3.400 hồ sơ, khối C 545 hồ sơ… Điều bất ngờ là khối A1 có đến 1.303 hồ sơ đăng ký dự thi.
Thống kê theo từng ngành thì nhóm ngành kinh tế vẫn chiếm thế thượng phong. Ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán chiếm trên 5.000 hồ sơ. Kế đến là nhóm ngành y dược gần 2.000. Trong tổng số 1.160 hồ sơ đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chỉ có 21 hồ sơ đăng ký thi vào ngành sư phạm sử. Trong tổng số 10.151 hồ sơ ĐKDT của thí sinh tỉnh Cà Mau có 433 hồ sơ đăng ký thi vào Trường CĐ Sư phạm Cà Mau, 625 hồ sơ thi vào Trường ĐH Y Cần Thơ, 6.202 hồ sơ thi vào Trường ĐH Cần Thơ.
Dù chưa thống kê xong nhưng nhiều sở GD-ĐT tại phía Nam cũng đưa ra nhận định thí sinh vẫn nhất kinh tế, nhì y dược và sau đó là khối ngành công nghệ. Riêng nhóm ngành kỹ thuật, nông lâm và xã hội có lượng hồ sơ khá ít.
Nguồn Báo SGGP Online