Chung tay xây dựng trường học thân thiện

(NTO) Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai ở các cấp học phổ thông từ tháng 7-2008. Qua gần 4 năm, phong trào đã tạo được những thay đổi tích cực. Riêng ở tỉnh ta, những thay đổi rõ rệt nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy đó chính là những ngôi trường khang trang, thân thiện hơn với học sinh.

Khi thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường Tiểu học Phước Nhơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) không có nhiều thuận lợi. Nội dung đầu tiên của phong trào là “Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn” tưởng như đơn giản nhưng cũng không dễ dàng bởi khuôn viên của trường hẹp, lại có 100% học sinh đều là con em dân tộc Chăm với điều kiện kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, chung tay của tập thể Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh toàn trường, ngay từ năm 2010, Trường Tiểu học Phước Nhơn đã trở thành một trong những điển hình trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

 
Giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học Phước Nhơn.

Giờ đây, học sinh của trường có một không gian học tập, vui chơi rất khang trang, sạch đẹp. Sân trường có ghế đá, xích đu, có cây xanh và luôn được vệ sinh sạch sẽ, tạo không gian thoáng mát. Với tinh thần “yêu nghề, mến trẻ”, các giáo viên chủ nhiệm lớp đều tự nguyện bỏ tiền của mình ra cùng học sinh trang trí góc học tập, trồng cây xanh. Ở mỗi góc học tập đều có những cuốn vở với những nét chữ đẹp nắn nót, những bài toán điểm 10, những sản phẩm thủ công ngộ nghĩnh… là những sản phẩm học tập xuất sắc nhất của học sinh, để tạo thêm động lực cho các em học tốt và thích thú hơn với việc xây dựng trường lớp.

Cũng như Trường Tiểu học Phước Nhơn, Trường Tiểu học Phước Đại B của huyện miền núi Bác Ái, với điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bất kỳ ai đã từng đến thăm ngôi trường này, chắc hẳn sẽ không khỏi trầm trồ khen ngợi. Khuôn viên trường sạch đẹp, thoáng mát, có vườn hoa khoe sắc, có sân chơi cho học sinh. Các phòng học được trang trí phù hợp với độ tuổi của từng lớp học. Phòng ngủ, phòng bếp bán trú tuy nhỏ nhưng tất cả đều sạch sẽ, gọn gàng. Đặc biệt, trong lớp học được bài trí là những bức tranh lớn phác họa những hình ảnh đẹp của quê hương, của tuổi thơ… Không chỉ thân thiện bằng hình thức bề ngoài, đội ngũ quản lý, giáo viên Trường Tiểu học Phước Đại B cũng luôn nỗ lực cố gắng, hết lòng vì học sinh thân yêu. Trường đóng trên địa bàn của một xã miền núi còn gặp nhiều khó khăn, phụ huynh còn phó mặc chuyện học hành của con trẻ cho thầy cô. Chính vì vậy, từ việc vận động học sinh ra lớp, giữ học sinh ở lại trường, đến nâng cao chất lượng giảng dạy để trang bị kiến thức cho học sinh… tất cả đều đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của tập thể nhà trường. Việc đầu tiên mà các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Phước Đại B đã làm được, chính là tạo một môi trường thân thiện để thu hút học sinh đến trường, giữ chân học trò ở lại lớp và tạo sự hứng thú trong học tập cho các em. Toàn trường có 187 học sinh biên chế vào 9 lớp, trong đó có 3 lớp 1 với tổng số 51 học sinh được ở lại bán trú tại trường. Các thầy, cô giáo thường xuyên thay phiên nhau vào bếp nấu cơm cho các em, chuẩn bị cho các em chỗ ngủ. Hàng tuần, giáo viên và học sinh cùng chung tay làm vệ sinh trường lớp, trang trí lại phòng học, góc thư viện… tạo nên mối quan hệ gắn bó, thân thiện giữa cô và trò. Thứ hai đầu tuần, nhà trường mời phụ huynh, cán bộ thôn đến dự lễ chào cờ, nghe báo cáo kết quả học tập, hoạt động của con em mình.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều “ngôi trường thân thiện” của tỉnh ta từ hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Điều đáng nói là những “ngôi trường thân thiện” này không chỉ có sự nỗ lực của nhà trường, sự tích cực của học sinh mà còn rất cần có sự chung tay góp sức của cả phụ huynh, chính quyền và toàn xã hội. Cũng chính nhờ sự chung tay, góp sức đó, mà những mô hình hoạt động ngoại khóa, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh như: Nuôi heo đất tiết kiệm, hũ gạo tình thương giúp bạn nghèo, hòm thư góp ý, đưa văn hóa dân gian vào trường học… đang được nhân rộng và đem lại hiệu quả tích cực. Từ đó, tạo nên một tinh thần đoàn kết, rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò để cùng nhau nâng cao chất lượng dạy và học.