Buổi họp báo công bố nguyên nhân gây cháy xe - Ảnh VGP/Thành Chung
Buổi họp báo do Bộ Công an chủ trì, phối hợp cùng các Bộ Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Công Thương tổ chức nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu làm rõ nguyên nhân cháy xe và đưa ra các giải pháp phòng tránh.
Theo điều tra của Bộ Công an mà trực tiếp là Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Cục C66- Tổng cục 7), trong hai năm 2010 và 2011, trên cả nước xảy ra 324 vụ cháy, nổ ô tô, xe máy (cháy ô tô là chủ yếu). Ngành đã xác định rõ nguyên nhân của 209 vụ (chiếm 64,5%), số còn lại đang tiếp tục điều tra thêm.
Theo đó, có 5 nguyên nhân gây ra cháy xe gồm chập điện (chiếm 30,25% số vụ), sự cố kỹ thuật (15,1%), sơ suất (9,8%), tai nạn giao thông (4,63%) và do đốt (4,32%).
Trước thông tin cho rằng cháy xe do xăng dầu, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết đến ngày 15/4, cơ quan chức năng đã lấy 56 mẫu xăng dầu tại xe bị cháy (nếu còn) và tại nơi chủ xe đã mua xăng.
Kết quả có một mẫu dầu diezen có chỉ tiêu ngoại quan không đạt chuẩn TCVN 5689: 2005 và 56 mẫu trên đều không phát hiện có metanol, aceton. Do vậy, “chưa có bằng chứng xăng dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ ở xe cơ giới trong thời gian qua”, báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết.
Cũng theo ông Trần Văn Vinh, ngành đang nghiên cứu thêm để làm rõ như trường hợp xe máy hiện đại sử dụng nhiên liệu không phù hợp như chỉ số RON thấp như xăng A83, gây nóng động cơ hơn bình thường, dẫn đến nóng chảy một số chi tiết và chập điện gây cháy nếu vùng nhiệt nóng tiếp cận với nguyên liệu dễ cháy.
Tuy nhiên ông Trần Văn Vinh khuyến nghị người sử dụng phương tiện không nên sử dụng nguồn xăng bất hợp pháp, bán trôi nổi trên thị trường.
Đại diện Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết hiện cả nước có khoảng hơn 10.000 cửa hàng xăng tư nhân. Việc phát hiện và ngăn chặn việc sai phạm của các cửa hàng về xăng dầu là không đơn giản. Tuy nhiên, khi đã phát hiện cửa hàng nào gian lận về chất lượng xăng dầu thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc (rút giấy phép kinh doanh, phạt tiền…) như trường hợp cây xăng Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đại diện Cục quản lý thị trường cũng cho biết ngành đang thực hiện quản lý chất lượng xăng dầu theo chuỗi từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng.
Về nguyên nhân “sự cố kỹ thuật” dẫn đến cháy xe, đại diện Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an cho biết “sự cố kỹ thuật” là trường hợp phanh gấp gây ma sát lốp rồi bốc cháy, bục ống dẫn xăng dầu, bục ống trợ lực tay lái, vỡ ổ bi tạo ma sát lớn sinh ra nhiệt độ cao nên gây cháy…
Tại buổi họp báo, đại diện các Bộ, ngành liên quan đều khẳng định đã thực hiện nhiệm vụ tìm nguyên nhân gây cháy xe một cách trung thực, nghiêm túc và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Tổng cục 7- Bộ Công an), người điều hành cuộc họp cho rằng “người dân không phải hoang mang trước hiện tượng cháy nổ xe máy. Trước hết, mỗi người sử dụng phương tiện cần thực hiện đúng các khuyến cáo của Bộ Công an thì sẽ hạn chế được nguy cơ gây cháy nổ xe máy.
Thiếu tướng Trần Anh Dũng nhấn mạnh việc điều tra nguyên nhân của các vụ cháy nói chung là điều khó khăn khi mọi dấu vết tại hiện trường đều bị lửa xóa hết. 64,5% số vụ cháy xe đã được làm rõ là một tỷ lệ thành công không nhỏ của các ngành chức năng.
Tuy nhiên, Thiếu tướng Trần Anh Dũng cho biết đây chỉ là những kết quả tìm nguyên nhân bước đầu, các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu bằng các Đề án, chương trình (đã có) để sớm ra tìm thêm những nguyên nhân cháy nổ xe.
Nguồn www.chinhphu.vn