Cây rau dừa,có tên gọi phổ biến là cây dừa cạn. Nhưng nó còn có một số tên khác tùy theo từng địa phương như cây hoa trường xuân, cây tứ thời hoa do nó ra hoa hầu như quanh năm. Cũng có nơi còn gọi dừa cạn là cây sừng dê (dương giác), cây bông dừa, cây nhật tân, cây hoa hải đăng… Tên khoa học của nó là Vincarosealin hay Catharanthus Roseus (L.) G.Don thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Cây dừa cạn có nguồn gốc xuất xứ ở đảo Madagascar thuộc châu Phi nhưng được trồng ở nước ta rất nhiều để làm cảnh và làm thuốc. Khi đi tham quan tượng đài Bác Hồ ở thành phố Vinh (Nghệ An), tôi thấy người ta trồng cả một vườn cây dừa cạn nở hoa đỏ rất đẹp làm nền cho quảng trường Hồ Chí Minh rực rỡ và sinh động hẳn lên.
Trong dân gian còn có nhiều bài thuốc dùng cây dừa cạn chữa viêm đại tràng, chữa tăng huyết áp bằng cách sắc nước uống.
Trong nhân dân, từ lâu đã biết dùng cây dừa cạn làm thuốc. Hồi nhỏ tôi đã thấy nhà bác hàng xóm có cháu nhỏ bị bỏng nước sôi, trước nhà có mấy khóm dừa cạn trồng làm cảnh, bác hái lá dừa cạn tươi giã nát trộn với chút bột gạo đắp lên vết bỏng. Cháu bé đỡ kêu khóc vì hết bỏng rát, mấy ngày sau đã khô vết thương. Ông chú họ tôi bị bệnh tiểu đường thì thường xuyên uống nước sắc của thân lá cây dừa cạn phơi khô, sao vàng, kiểm tra đường huyết cũng đỡ tăng nhiều.
Trong dân gian còn có nhiều bài thuốc dùng cây dừa cạn chữa viêm đại tràng, chữa tăng huyết áp bằng cách sắc nước uống. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu, phân tích những chất có trong cây dừa cạn và thấy rằng sở dĩ nó có những tác dụng chữa bệnh như dân gian lưu truyền là do một số chất hóa học có nhiều trong thân, rễ và lá như acid pyrocatechic, acid ursolic và đặc biệt là các alkaloid có nhân indol.
Năm 1958, Noble và cộng sự đã chiết được một alkaloid từ lá dừa cạn là Vincaleucoblastine (còn gọi là Vinblastin). Sau đó 4 năm, Svoboda và cộng sự cũng tìm thêm một alkaloid nữa là Vincaleucocristin (còn gọi là vincristin). Hàm lượng các alkaloid này trong dừa cạn rất nhỏ (khoảng 1 phần vạn trong lá dừa cạn khô đối với Vinblastin còn đối với Vincristin thì ít hơn 10 lần nữa). Người ta thường dùng hai alkaloid này làm thuốc chữa ung thư dưới dạng muối sulfat. Quá trình điều chế hai alkaloid này từ cây dừa cạn qua khá nhiều công đoạn với giá thành cao nên thuốc khá đắt. Hiện nay người ta đã tìm cách sinh tổng hợp hoặc bán tổng hợp hai loại alkaloid trên để giảm giá thành của thuốc.
Nhân dân ta đã có bài thuốc chữa bạch cầu cấp (bệnh máu trắng) bằng cách sắc uống thân và lá cây dừa cạn (khoảng 15 gam thân lá khô/ngày). Trên thị trường, thuốc Vinblastin (còn có tên Velban) là thành phẩm độc bảng A thường đóng ống 5-10 mg chế phẩm đông khô kèm theo 1 ống dung môi. Vinblastin có tác dụng ức chế sự sinh sản của các tế bào ung thư, ít ảnh hưởng đến hồng cầu và tiểu cầu.
Vincristin (Oncvin) có tác dụng tương tự như Viblastin nhưng mạnh hơn nên dùng với liều thấp hơn. Cả hai loại thuốc này đều được dùng để tiêm mạch máu nên phải rất thận trọng khi tính liều để tiêm thuốc. Trong quá trình dùng thuốc phải theo dõi số lượng bạch cầu. Nếu số lượng bạch cầu giảm xuống dưới 2000 thì phải giảm liều thuốc xuống một nửa. Hai loại thuốc này hiện nay vẫn được coi là thuốc tốt nhất để điều trị ung thư máu. Thuốc được bảo quản trong lọ kín, tránh ánh sáng và ở nhiệt độ thấp (trong tủ lạnh).
Cây dừa cạn thật là đáng quý, vừa là cây cảnh đẹp, vừa là cây thuốc hay. Các bệnh nhân nghèo cần sử dụng những tên thuốc tây kể trên, nếu dùng nước sắc của cây dừa cạn phơI khô thường xuyên cũng đỡ tiền nhiều lắm.
Nguồn Báo Khánh Hòa điện tử