Cụ thể là sử dụng chất Beta-agonist (chất tăng trọng, chất tạo nạc đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi), phổ biến ở tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, phía Bắc. Khi sử dụng chất nói trên đã “rút ngắn” thời gian nuôi, thay vì 4 tháng xuất chuồng/lứa thì chỉ còn từ 3 – 3,5 tháng/lứa heo! Tuy nhiên “lợi bất cập hại”, khi bị phát hiện thì người tiêu dùng đã “cảnh giác” và hạn chế sử dụng thịt heo. Vậy là, người chăn nuôi rơi vào tình cảnh không bán được sản phẩm, càng nuôi thì càng lỗ nặng nên nhiều trang trại nuôi heo đã mấp mé bờ vực phá sản. Đáng nói là hậu quả này chỉ do một số người gây ra, nhưng lại tạo hiệu ứng chung trên thị trường…
Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Đối với tỉnh ta thì sao ? Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có tổng đàn heo trên 58.000 con, tuy số trang trại nuôi không nhiều và chủ yếu là nuôi phân tán nhưng điều đáng mừng là qua khảo sát, lấy mẩu thử của cơ quan chức năng thì chưa phát hiện người chăn nuôi có sử dụng chất tạo nạc, tăng trọng. Điều này cũng được chứng minh qua thực tế là số đông người tiêu dùng vẫn tiêu thụ mạnh thịt heo. Chỉ tính hết quý I năm nay toàn tỉnh đã có số lượng heo giết mổ trên 3.000 tấn thịt, vượt 9% so cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy giá thịt giảm sút đáng kể. Hơn 1 tháng qua, giá thịt tại chợ giảm bình quân 10%, mặc dù thấp hơn từ 20-30% so với các tỉnh “rộ” lên việc sử dụng chất tạo nạc… nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã làm cho nhiều hộ nuôi heo phải “bóp bụng” vì giảm lãi thậm chí nếu không tính toán kỹ có khi chỉ huề vốn đến lỗ…
Vấn đề đặt ra là từ vụ việc trên đã thêm một lần cảnh báo cho người sản xuất đó là phải trung thực, sản phẩm làm ra phải theo yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của thị trường. Bởi lẽ quyết định đầu ra sản phẩm của người sản xuất chính là người tiêu dùng.
Tuấn Dũng