Nhiều thương hiệu đã đi vào cuộc sống và có uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: Nho Ba Mọi, nước mắm Cà Ná, nước mắm Đông Hải, phân bón hữu cơ Địa Cầu Xanh, vang nho Viết Nghi, gốm Bàu Trúc, xuất khẩu hạt điều Nitagrex, Phú Thủy...
Thương hiệu gốm Bàu Trúc (Ninh Phước) đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Ảnh: Văn Miên
Tuy nhiên, nhận thức về giá trị tài sản trí tuệ, ý thức tự bảo vệ quyền SHTT của một số doanh nghiệp còn hạn chế; việc đăng ký xác lập và thực thi quyền hiện nay còn nhiều bất cập và chưa thực sự được đẩy mạnh. Tình trạng xâm phạm quyền SHTT đôi lúc vẫn còn diễn biến phức tạp, phần nào ảnh hưởng đến môi trường kêu gọi đầu tư của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 5-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới; các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, chúng ta cần tăng cường và khuyến khích hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực thi pháp luật về SHTT và các quy định của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS), giải quyết tốt các tranh chấp, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT, hỗ trợ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tiến trình hội nhập kinh tế.
Trong các hoạt động kinh doanh, nhãn hiệu là một phần không thể thiếu đối với các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có một nhãn hiệu uy tín, đi sâu vào tâm trí khách hàng thì doanh nghiệp sẽ có vị thế vững chắc trên thị trường, nhờ đó việc mở rộng thị trường hay tìm kiếm thị trường mới cũng dễ dàng hơn nhiều. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu luôn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu được các doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp không thể quên trong chiến lược phát triển nhãn hiệu của mình là đăng ký bảo hộ quyền SHTT, vì doanh nghiệp chỉ thực sự sở hữu nhãn hiệu hàng hóa đó nếu được cơ quan có thẩm quyền công nhận và bảo hộ trên phạm vi toàn quốc (do Cục SHTT cấp giấy chứng nhận).
Theo số liệu do Cục SHTT quản lý cập nhật từ năm 1999 đến 12-2011, thì các doanh nghiệp trong tỉnh đã có 132 đơn đề nghị được bảo hộ nhãn hiệu, trong đó đã có 88 Văn bằng bảo hộ được cấp. So sánh với các tỉnh lân cận như Bình Thuận có đến 552 Văn bằng bảo hộ được cấp; Lâm Đồng có 574 Văn bằng bảo hộ được cấp.
Sản phẩm hạt điều thương hiệu Nitagrex của Công ty Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận
có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Sơn Ngọc
Mức độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta so với các tỉnh lân cận vẫn còn, vì vậy số lượng doanh nghiệp cũng ít hơn (theo số liệu thống kê năm 2010, số lượng doanh nghiệp của 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng cao gấp 2,5-3 lần tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, nếu so sánh về nhận thức của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đối với việc bảo hộ nhãn hiệu thì vẫn còn hạn chế so với các tỉnh lân cận (số văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng cao gấp 6 -7 lần so với tỉnh Ninh Thuận).
Với tình hình thực tế trên, công tác hỗ trợ doanh nghiệp về xác lập quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung nằm trong Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015, đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành tại Quyết định Số 1323/QĐ-UBND, ngày 15-6-2011 để giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích cực tham gia vào thị trường khoa học và công nghệ, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp cận, tiến tới ứng dụng có hiệu quả những thành tựu kỹ thuật mới vào trong sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Phạm Châu Hoành
Sở Khoa học - Công nghệ