Tại khóa tập huấn "Doanh nghiệp và biến đổi khí hậu" do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 20/4/2012, Tổng cục Môi trường (Bộ TN & MT) đã công bố dự định triển khai chứng nhận Nhãn Xanh Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2016 cho các sản phẩm, dịch vụ có tính thân thiện với môi trường.
Trong giai đoạn thí điểm các doanh nghiệp Việt Nam.được dán nhãn sinh thái miễn phí. Ảnh: Xuân Bách.
Năm 2012 sẽ xây dựng và ban hành tiêu chí chứng nhận Nhãn Xanh Việt Nam cho sản phẩm ắc quy; các sản phẩm máy tính xách tay, máy in laser, mực in laser sẽ có tiêu chí chứng nhận Nhãn Xanh trong năm 2013. Tới 2014 sẽ tới lượt máy tính để bàn, mực in cho máy photocopy, pin tiêu chuẩn. Và sang năm 2015 sẽ áp dụng tiêu chí dán Nhãn Xanh cho dòng sản phẩm đồ gia dụng với 3 nhóm sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, ti vi.
Trao đổi với phóng viên ICT News, TS. Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách & Pháp chế, Chánh Văn phòng Nhãn Xanh Việt Nam, Tổng cục Môi trường cho biết, doanh nghiệp không bắt buộc phải dán Nhãn Xanh cho sản phẩm, dịch vụ của mình, song Nhãn Xanh đem lại rất nhiều lợi ích. Đây là một dạng chứng nhận rằng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có tính ưu việt về mặt môi trường so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại; qua đó tăng lợi thế cạnh tranh và khả năng chinh phục người tiêu dùng. Nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc loại phải đóng thuế bảo vệ môi trường thì sẽ được miễn loại thuế này khi đã dán Nhãn Xanh.
Sắp tới, Tổng cục Môi trường sẽ ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nhãn sinh thái đối với một số quốc gia; khi đó, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt đã dán Nhãn Xanh sẽ được hưởng ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ dán nhãn sinh thái khi xuất khẩu sang nước khác.
Chia sẻ thêm về việc tại sao lại tách riêng máy tính xách tay và máy tính để bàn để thí điểm dán Nhãn Xanh ở hai thời điểm, ông An cho biết nguyên nhân là mức độ phức tạp trong việc xây dựng và ban hành tiêu chí áp dụng với 2 loại máy tính này. Trên thực tế, máy tính xách tay có tính đồng nhất cao hơn, hầu hết là nhập khẩu đã được các hãng áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tề về tác động môi trường. Còn máy tính để bàn gồm nhiều bộ phận như màn hình, con chuột, CPU… ; chưa kể nhiều loại được lắp ráp trong nước, khó đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Bởi vậy, phải tốn nhiều thời gian, công sức cho việc xây dựng tiêu chí dán Nhãn Xanh đối với máy tính để bàn hơn là đối với máy tính xách tay.
"Việc dán nhãn sinh thái đã được nhiều quốc gia triển khai theo phương thức thu phí. Tuy nhiên, trong giai đoạn thí điểm dán Nhãn Xanh, các doanh nghiệp Việt Nam được miễn loại phí này”, ông An cho biết thêm.
Nguồn ICTnews