Kiến nghị chính sách bình đẳng cho đại học

Sáng ngày 20-4, tại Hà Nội, Đại hội II của Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập đã diễn ra tại Hà Nội.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Gíao dục - Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập cho biết, hiện cả nước có 81 trường đại học - cao đẳng ngoài công lập, số lượng sinh viên đào tạo là 254.370, chiếm 14,7% tổng số sinh viên cả nước.

Các đại học - cao đẳng ngoài công lập đã đào tạo hàng chục vạn lao động trình độ đại học - cao đẳng mà Nhà nước không phải bỏ kinh phí đào tạo. Phần lớn các trường tuy khuôn viên chưa rộng lớn, nhưng có cơ sở khang trang, có thiết bị dạy học tương đối đủ cho các ngành nghề đào tạo. Về cơ bản, các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập đã vượt qua tình trạng tạm thời thuê mướn trường lớp.

GS Trần Hồng Quân cho rằng, nhìn tổng quát, tốc độ phát triển các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập so với các mục tiêu chiến lược của Nhà nước là khá chậm. Trong khi đó sự phát triển ồ ạt các trường đại học - cao đẳng công lập là sự thực hiện sai lệch quan điểm chỉ đạo của chiến lược phát triển giáo dục đã đề ra, làm phân tán nguồn lực tài chính của Nhà nước, làm sai chức năng của hệ thống các trường công lập. Lẽ ra chỉ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành nghề cần phải đầu tư lớn, đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực chuyên biệt, đặc thù mà các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập không thể đảm đương được. Vì vậy, quan điểm của Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập là đang có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa đại học - cao đẳng công lập và đại học - cao đẳng ngoài công lập. Trong khi các sinh viên công lập được Nhà nước hỗ trợ đến 60-70% chi phí đào tạo còn sinh viên đại học - cao đẳng ngoài công lập phải chịu 100% chi phí đào tạo.

GS Trần Hồng Quân cũng thừa nhận, một số trường đại học - cao đẳng ngoài công lập có nhiều yếu kém, sai phạm, gây mất lòng tin cho xã hội, những yếu kém đó sẽ phải chấn chỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, đa phần các trường làm ăn nghiêm túc với mong muốn góp phần vào sự phát triển chung. Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước có những chính sách bình đẳng cho các trường ngoài công lập. Nhà nước nên quan tâm, tài trợ những trường có tiêu chí: đào tạo ra sinh viên có chất lượng cao mà không cần phải gắn mác công lập hay đại học - cao đẳng ngoài công lập.

Phát biểu tại đại hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Gíao dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của hệ thống các trường đại học - cao đẳng ngoài công lập đối với sự phát triển chung của nền giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, do truyền thông chưa đầy đủ nên xã hội đã hiểu không đầy đủ về hệ thống này. Dù vậy, vẫn cần phải thẳng thắn nhận thấy những khiếm khuyết mà hệ thống này đang mắc phải, trong đó một phần do lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt, các trường cần phải chấn chỉnh triệt để tình trạng mất đoàn kết trầm trọng ở một số trường hiện nay gây mất niềm tin của xã hội. Hệ thống đại học - cao đẳng ngoài công lập là một bộ phận hữu cơ của ngành giáo dục. Thành công của hệ thống đại học - cao đẳng ngoài công lập cũng là thành công của ngành giáo dục và ngược lại, vì vậy, chăm lo cho sự phát triển của hệ thống đại học - cao đẳng ngoài công lập là trách nhiệm của Bộ Gíao dục - Đào tạo.

Nguồn Báo SGGP Online