Học sinh Trường Tiểu học Phủ Hà 2: Chia sẻ những điều muốn nói

(NTO) Hòm thư góp ý mang tên “Những điều em muốn nói” của Trường Tiểu học Phủ Hà 2, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm là một trong những sáng kiến tiêu biểu đã phát huy được hiệu quả tích cực trong phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Chỉ cho chúng tôi xem những bức thư được viết bằng nét chữ nắn nót của học trò, cô giáo Phạm Thị Thu Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phủ Hà phấn khởi cho biết: “Những bức thư này chính là một phần quan trọng giúp Ban giám hiệu nhà trường, đội ngũ giáo viên làm tốt hơn công tác quản lý, giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo môi trường thân thiện trong nhà trường”.

 
Học sinh Trường TH Phủ Hà 2 với hòm thư góp ý “Những điều em muốn nói”.

Những bức thư mà cô Thanh nhắc đến được lấy ra từ hòm thư góp ý mang tên “Những điều em muốn nói” của trường. Hòm thư này là một trong những sáng kiến trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ra đời từ năm học 2009-2010. Đây cũng là nơi để phụ huynh, học sinh bày tỏ những mong muốn, góp ý, những bức xúc của bản thân mình lên Ban giám hiệu nhà trường như lời cô giáo hiệu trưởng chia sẻ: “Không phải lúc nào học sinh cũng có thể nói thẳng mong muốn, suy nghĩ của mình trực tiếp với thầy cô, với nhà trường. Vì vậy, thông qua hòm thư góp ý, chúng tôi muốn rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò, được lắng nghe những chia sẻ, mong muốn của các em để từ đó Ban giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo kịp thời có những điều chỉnh hợp lý, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường thân thiện trong trường học”.

Gần 3 năm qua, hòm thư “Những điều em muốn nói” của Trường Tiểu học Phủ Hà 2 đã nhận được hàng nghìn bức thư góp ý, chia sẻ tâm tư tình cảm và đề đạt mong muốn, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh. Tất cả học sinh của trường đều có thể gửi thư vào hòm thư góp ý và có quyền được giữ bí mật thông tin về bản thân mình. Mỗi tuần, hiệu trưởng là người trực tiếp mở hòm thư để tiếp nhận và có thông tin phản hồi. Giờ chào cờ đầu tuần, các vấn đề thắc mắc, góp ý mang tính bức thiết nhất sẽ được Ban giám hiệu nhà trường giải đáp tới học sinh. Những bức thư còn lại cũng sẽ được phản hồi trong các buổi phát thanh của liên đội.

Là học sinh tiểu học nên những bức thư, những dòng góp ý của các em có phần ngây thơ, trẻ con… nhưng lại thế hiện một ý thức rất lớn với mong muốn được chung tay xây dựng trường lớp. Cô Phạm Thị Thu Thanh khẳng định: “Nếu không có hòm thư góp ý, không được đọc những dòng chữ của chính các em viết, tôi không thể hiểu hết được về học sinh của mình, không thể nắm bắt mọi thông tin một cách kịp thời, để có những điều chỉnh hợp lý”. Nhiều bức thư là những mong muốn, góp ý của học sinh về phương pháp dạy học của thầy, cô giáo như: “Cô giáo dạy Tiếng Anh của lớp con nói khó nghe quá”; “Giờ chính tả cô giáo đọc nhanh quá lớp con ghi không kịp” hay “Con thích được học nhiều tiết học bằng giáo án điện tử hơn”… Bên cạnh đó là những ý tưởng, sáng kiến rất hay trong việc giữ gìn trật tự, nề nếp của nhà trường: “Trong lớp con có một số bạn còn nói tục, con muốn các thầy cô nghiêm khắc hơn…”, “Con muốn trường mình trồng nhiều cây xanh hơn để sân trường có thêm bóng mát”, “Các vườn hoa trên sân trường có rất nhiều cỏ, con nghĩ Liên đội nên tổ chức cho các lớp làm vệ sinh, nhổ cỏ sau giờ học”, “Con muốn trường mình có phong trào đóng góp tiền, sách vở để giúp đỡ bạn nghèo”… Có thể thấy, những góp ý, đề xuất của học sinh trong mỗi bức thư như vậy thật sự là một điều hết sức quý giá đối với Ban giám hiệu nhà trường. Điều này càng khẳng định, để xây dựng được một ngôi trường thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục thì rất cần sự chung tay, góp sức của tập thể nhà trường, trong đó học sinh đóng một vai trò quan trọng.

Đúng như tên gọi “Những điều em muốn nói”, trong số hàng chục bức thư được gửi vào hòm thư góp ý mỗi tuần, có những lá thư là những dòng cảm xúc, những chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, về tình cảm thầy cô, bạn bè… của các em. Có những bức thư được học sinh tự tay vẽ, cắt dán trang trí rất đẹp, trong đó là những câu thơ, những dòng cảm xúc các em dành tặng cho cô giáo của mình. Trong đó, có cả những bức thư là của các em học sinh lớp một, với những lời gửi tới cô giáo của mình rất đáng yêu “con cảm ơn vì cô đã dạy con biết rửa tay sạch, cô chải từng mái tóc cho chúng con, cầm tay uốn nét chữ cho chúng con…”. Mỗi bức thư cũng chính là nguồn thông tin hết sức quý báu để nhà trường có thể lắng nghe học sinh mình nhiều hơn, gần gũi và chia sẻ với các em được nhiều hơn. Cũng từ những bức thư chia sẻ của các em, nhà trường đã kịp thời quan tâm, can thiệp để ngăn chặn các em bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Hòm thư góp ý cũng giúp cho Ban giám hiệu, Liên đội Trường Tiểu học Phủ Hà 2 hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của học sinh từ đó có những phong trào thi đua, hoạt động ngoại khóa thiết thực, phù hợp, thu hút được học sinh, để nhà trường xứng đáng với danh hiệu “Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I” và luôn đi đầu trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.